Nghiên cứu kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO về vấn đề “tổ chức công” (public bodies) trong quy định về trợ cấp

Điều 1.1(a)(1) Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng WTO (SCM) quy định trợ cấp trong thương mại quốc tế tồn tại nếu:

- Có sự đóng góp về tài chính (financial contributions) của chính phủ hoặc một tổ chức công (public bodies) trên lãnh thổ của một Thành viên (theo Hiệp định này sau đây gọi chung là “chính phủ”) khi:
            (i) Chính phủ thực tế có chuyển trực tiếp các khoản vốn (ví dụ như cấp phát, cho vay, hay góp cổ phần), có khả năng chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (như bảo lãnh tiền vay);
           (ii) Các khoản thu phải nộp cho chính phủ đã được bỏ qua hay không thu (ví dụ: ưu đãi tài chính như miễn thuế );
           (iii)  Chính phủ cung cấp hàng hoá hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở chung, hoặc mua hàng ;
          (iv) Chính phủ góp tiền vào một cơ chế tài trợ, hay giao hoặc lệnh cho một tổ chức tư nhân thực thi một hay nhiều chức năng đã nêu từ ba điểm trên đây, là những chức năng thông thường được trao cho chính phủ và công việc của tổ chức tư nhân này trong thực tế không khác với những hoạt động thông thuờng của chính phủ hoặc
              - Có bất kỳ một hình thức hỗ trợ thu nhập hoặc trợ giá nào theo nội dung Điều XVI của Hiệp định GATT 1994;

- Và cấu thành lợi ích (benefits).

Theo đó, Điều 1.1 Hiệp định SCM quy định rằng 'trợ cấp' sẽ được coi là tồn tại nếu có 'đóng góp tài chính của chính phủ hoặc bất kỳ cơ quan công quyền nào' và 'lợi ích do đó được trao.[1] "Một" khoản đóng góp tài chính "và một" lợi ích "[là] hai yếu tố pháp lý riêng biệt trong Điều 1.1 Hiệp định SCM, cùng xác định liệu có tồn tại trợ cấp hay không"[2], thể hiện các tình huống trong đó chính phủ chuyển giao một thứ có giá trị kinh tế cho lợi ích của người nhận[3].

Ngoài ra, Điều 1 cũng nhắc đến khái niệm về “tổ chức công”. Đây là 1 vấn đề đã được cơ quan giải quyết tranh chấp WTO giải quyết tại nhiều vụ việc. Bài nghiên cứu này sẽ đi sâu phân tích một số nội dung quy định tại Điều 1.1(a)(1) (đóng góp tài chính và tổ chức công).

1.Đóng góp tài chính

Điều 1.1(a)(1) đưa ra 1 danh sách giới hạn về các loại giao dịch cấu thành khoản cung cấp tài chính[4].

Lịch sử đàm phán của Điều 1 cho thấy việc đưa thuật ngữ “đóng góp tài chính” vào lời văn nhằm đảm bảo rằng không phải tất cả các biện pháp của chính phủ mà tạo thành lợi ích sẽ bị coi là trợ cấp: đoạn (i)-(iii): chính phủ tự và trực tiếp cung cấp những thứ có trị giá - tiền, hàng hoặc dịch vụ cho một bên tư nhân. Đoạn (iv) đảm bảo rằng việc chính phủ chuyển nguồn lực kinh tế tương tự, khi tiến hành thông qua việc cho phép (delegation) các chức năng này cho một bên tư nhân cũng nằm trong phạm vi bị điều chỉnh.[5]

Việc đánh giá có tồn tại khoản đóng góp tài chính hay không bao gồm xem xét bản chất của giao dịch mà qua đó 1 vật có giá trị kinh tế được chính phủ chuyển giao.[6]

Việc đánh giá tính pháp lý (legal characterisation) của một giao dịch theo Điều 1.1(a)(1) như sau: xem xét liệu biện pháp có thuộc một trong các loại đóng góp tài chính theo quy định không. Để làm vậy, phải xem xét thiết kế (design) và hoạt động (operation) của biện pháp và xác định đặc điểm chính của nó. Tuy nhiên, các giao dịch có thể phức tạp và mang tính nhiều mặt ví dụ như các khía cạnh khác nhau của 1 giao dịch có thể thuộc các dạng khác nhau của khoản đóng góp tài chính, do đó, thuộc nhiều nhóm. Tuy nhiên, việc 1 khoản đóng góp tài chính có thể được phân vào 2 nhóm trở lên không có nghĩa là các quy định về các nhóm đóng góp tài chính là giống nhau.[7]

Vì Điều 1.1(a)(1) không nêu rõ về mối quan hệ giữa các tiểu đoạn và kết cấu của điều này không loại trừ khả năng 1 giao dịch có thể được điều chỉnh bởi nhiều tiểu đoạn[8]. Trong vụ việc Hoa Kỳ bị kiện liên quan đến biện pháp đối kháng với Gỗ xẻ mềm, cơ quan điều tra (CQĐT) Hoa Kỳ (Bộ Thương mại- USDOC) phân loại 1 khoản đóng góp tài chính dưới dạng không thu khoản thu nhập phải thu (revenue foregone) trong khi nguyên đơn lập luận rằng CQĐT nên phân loại thuộc nhóm mua hàng hoá (purchase of goods). Ban Hội thẩm đã kết luận rằng vấn đề không phải là liệu 1 khoản đóng góp tài chính có thể được phân loại thành 2 loại đóng góp tài chính 1 lúc hay không mà là liệu CQĐT có phân nhầm loại hay không.

2. “Bởi chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào” (by a government or any public body)

- Chính phủ (Government): có 1 tiêu chuẩn pháp lý trong định nghĩa thuật ngữ “government” theo Hiệp định SCM (chính phủ có nghĩa hẹpbất kỳ tổ chức công nào thuộc phạm vi của 1 Thành viên.)[9]

+ Tổ chức công (Public body): Trong vụ Cộng đồng châu Âu kiện Hàn Quốc tại WTO (Hàn Quốc- Tàu thương mại), EC lập luận rằng Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) là tổ chức công vì được thành lập và hoạt động trên cơ sở một quy chế công cho phép Chính phủ Hàn Quốc có quyền trong việc đưa ra quyết định. Ban Hội thẩm đồng ý với lập luận này vì KEXIM do chính phủ (hoặc các tổ chức công khác) điều khiển (control).

Trong vụ Hoa Kỳ- Thuế chống bán phá giá và đối kháng (Trung Quốc), Cơ quan Phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết của Ban Hội thẩm rằng “tổ chức công” nghĩa là “bất kỳ thể chế nào do chính phủ điều khiển” và kết luận rằng “chỉ bao gồm các thể chế mà sở hữu (possess), thực hiện (exercise) hoặc được trao cho (vested) thẩm quyền của chính phủ.”

Khái niệm "tổ chức công" chia sẻ các thuộc tính nhất định với khái niệm "chính phủ". Một tổ chức công phải là một tổ chức sở hữu, thực hiện hoặc được trao cho thẩm quyền của chính phủ. Tuy nhiên, cũng như không có hai chính phủ nào hoàn toàn giống nhau, các đặc điểm cụ thể của một tổ chức công sẽ khác nhau giữa các tổ chức, giữa các nước và tùy từng trường hợp. Ban Hội thẩm hoặc cơ quan điều tra, khi đối mặt với câu hỏi liệu hành vi thuộc phạm vi của Điều 1.1(a)(1) có phải của tổ chức công hay không, sẽ chỉ có thể trả lời được câu hỏi đó bằng cách tiến hành đánh giá đúng các đặc điểm cốt lõi của tổ chức liên quan và mối quan hệ của nó với chính phủ theo nghĩa hẹp.

Trong một số trường hợp, như khi một quy chế hoặc công cụ pháp lý khác quy định rõ ràng thẩm quyền của tổ chức liên quan, việc xác định rằng tổ chức đó là một tổ chức công có thể là một bài tập đơn giản. Ở những trường hợp khác, bức tranh có thể hỗn hợp hơn và thách thức cũng phức tạp hơn. Cùng một tổ chức có thể có một số đặc điểm cho thấy đó là một tổ chức công và những đặc điểm khác gợi ý rằng đó là một tổ chức tư nhân. Ví dụ, việc việc xác định rằng một tổ chức cụ thể là một tổ chức công không nhất thiết chỉ phụ thuộc vào việc có ủy quyền rõ ràng theo luật định. Điều quan trọng là liệu một tổ chức có được trao quyền thực hiện các chức năng của chính phủ hay không, hơn là cách thức đạt được điều đó. Có nhiều cách khác nhau trong đó chính phủ theo nghĩa hẹp có thể trao cho các tổ chức một thẩm quyền nhất định. Do đó, có thể có các loại bằng chứng khác nhau trong việc chứng minh rằng thẩm quyền đó đã được trao cho một tổ chức cụ thể. Trên thực tế, bằng chứng cho thấy một tổ chức đang thực hiện các chức năng của chính phủ có thể là bằng chứng cho thấy tổ chức đó sở hữu hoặc đã được trao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt khi bằng chứng đó chỉ ra một thông lệ có hệ thống và mang tính ổn định. Bằng chứng cho thấy chính phủ thực hiện quyền kiểm soát có ý nghĩa đối với một tổ chức và đối với hành vi của tổ chức đó có thể, trong một số trường hợp nhất định, là bằng chứng cho thấy tổ chức có liên quan sở hữu quyền hạn của chính phủ và thực hiện quyền đó trong việc thực hiện các chức năng của chính phủ. Tuy nhiên, ngoài sự ủy quyền rõ ràng tại một công cụ pháp lý, chưa đủ để chứng minh sự sở hữu cần thiết về thẩm quyền của chính phủ nếu chỉ tồn tại các mối liên kết chính thức đơn thuần giữa một tổ chức và chính phủ theo nghĩa hẹp. Do đó, ví dụ, việc chính phủ là cổ đông lớn của một tổ chức không thể chứng tỏ rằng chính phủ thực hiện quyền kiểm soát có ý nghĩa đối với hành vi của tổ chức đó, không thể bằng so với việc chính phủ đã trao cho nó quyền lực của chính phủ.

Việc chính phủ chỉ sở hữu hoặc kiểm soát một tổ chức là chưa đủ để chứng minh rằng đó là tổ chức công. Khi xác định xem một tổ chức cụ thể có phải là một tổ chức công hay không, nên xem xét 'liệu các chức năng hoặc hành vi có phải là của chính phủ theo quy định pháp lý của Thành viên liên quan hay không. Việc phân loại và chức năng của các tổ chức thuộc Thành viên WTO cũng thường dựa trên câu hỏi về những đặc điểm nào thường cho thấy 1 tổ chức là tổ chức công. Không nhất thiết một tổ chức phải có quyền điều chỉnh (regulate), kiểm soát (control) hoặc giám sát (supervise) các cá nhân, hoặc nói cách khác là hạn chế hành vi của người khác để được coi là một tổ chức công. Mặc dù một số tổ chức nhất định được coi là tổ chức công có thể có quyền điều chỉnh, nhưng không nhất thiết một tổ chức phải có đặc điểm này để kết luận là tổ chức đó được trao thẩm quyền của chính phủ hoặc thực hiện chức năng của chính phủ và do đó cấu thành một tổ chức công.[10]

Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Ống thép (Thổ Nhĩ Kỳ) bác bỏ khẳng định của USDOC rằng Erdemir và Isdemir của Thổ Nhĩ Kỳ là tổ chức công thông qua Ordu Yardimlasma Kurumu (OYAK). OYAK nắm giữ đa số cổ phần tại Erdemir, và Erdemir lại sở hữu hơn 92% cổ phần của Isdemir. Ban Hội thẩm không cho rằng thực tế là các cơ quan quản lý của OYAK bao gồm quân nhân và một số nhân viên chính phủ nhất định (bầu ra hội đồng quản trị tám người), và thực tế là OYAK được đảm bảo đóng góp bắt buộc cho mục đích lương hưu và OYAK có thể hưởng lợi từ tình trạng tài sản và thuế nhất định, là đủ để chứng minh rằng OYAK hành động theo thẩm quyền của chính phủ hoặc dưới sự kiểm soát có ý nghĩa của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan Phúc thẩm đã giải thích rằng bằng chứng về 'dấu hiệu kiểm soát chính thức', chẳng hạn như quyền của chính phủ trong việc bổ nhiệm và đề cử các giám đốc của một tổ chức có thể liên quan đến việc đánh giá liệu hành vi của một tổ chức có phải là hành vi của một tổ chức công hay không. Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm cũng nhận thấy rằng 'quyền của chính phủ trong việc bổ nhiệm các giám đốc của một tổ chức và vấn đề liệu những giám đốc đó có độc lập hay không, dường như là những yếu tố khác biệt trong việc đánh giá tính chất chính quyền của một tổ chức. Bằng chứng của USDOC trong phân tích của mình về OYAK không cho thấy rằng quân nhân và nhân viên chính phủ trong OYAK đã đưa ra các quyết định dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc theo đuổi các chính sách kinh tế của chính phủ.

Điều 1.1(a)(1) không quy định một "nghĩa vụ" phải tìm kiếm và chấp nhận bằng chứng khi xác định xem một tổ chức cụ thể có phải là một tổ chức công hay không. Nếu cơ quan điều tra không có đủ bằng chứng trong hồ sơ để đưa ra quyết định, họ có thể cần tìm kiếm hoặc chấp nhận bằng chứng bổ sung để có thể đưa ra lời giải thích 'hợp lý và đầy đủ' đáp ứng các yêu cầu của nghĩa vụ cơ bản.[11]

- Tiêu chuẩn pháp lý của vấn đề tổ chức công: Xem xét vấn đề tiêu chuẩn pháp lý được cơ quan điều tra áp dụng trong các quyết định liên quan đến tổ chức công, Ban Hội thẩm về vấn đề tuân thủ trong vụ việc Hoa Kỳ- Các biện pháp đối kháng (Trung Quốc) (Điều 21.5 - Trung Quốc) cho rằng bất đồng giữa các bên là "liệu Điều 1.1(a)(1) có yêu cầu CQĐT chứng minh rằng một tổ chức đang thực hiện chức năng của chính phủ khi cung cấp một khoản đóng góp tài chính cụ thể để xác định rằng tổ chức đó sở hữu, thực hiện hoặc được trao thẩm quyền của chính phủ."

Ban Hội thẩm không đồng ý với lập luận của Trung Quốc rằng câu hỏi thích hợp đối với CQĐT là liệu một tổ chức có đang thực hiện chức năng của chính phủ khi thực hiện các hành vi liên quan theo Điều 1.1(a)(1), tức là khi tổ chức đó đóng góp tài chính.

Ban Hội thẩm chỉ ra rằng: khi phân tích vấn đề tổ chức công, CQĐT phải xem xét hợp lý tất cả các tình tiết liên quan về đặc điểm và chức năng của một tổ chức một cách phù hợp trong hoàn cảnh cụ thể của vụ việc. Ban Hội thẩm không đồng ý với cách hiểu của Trung Quốc về tiêu chuẩn pháp lý cho các quyết định về tổ chức công khi đòi hỏi về mức độ/bản chất cụ thể của mối liên hệ (trong mọi trường hợp) giữa một chức năng chính phủ đã xác định và khoản đóng góp tài chính cụ thể. Thay vào đó, Ban Hội thẩm cho rằng "tiêu chuẩn pháp lý yêu cầu CQĐT đánh giá tổng thể các bằng chứng mà mình có. Tương tự như vậy, Ban Hội thẩm phải xem xét liệu việc xác định một tổ chức có phải tổ chức công có dựa trên các bằng chứng liên quan và giải thích đầy đủ khi đánh giá liệu CQĐT có kết luận chính xác rằng các tổ chức sở hữu, thực hiện hoặc được giao thẩm quyền của chính phủ để thực hiện một chức năng của chính phủ hay không.

Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Các biện pháp đối kháng (Trung Quốc) (Điều 21.5 - Trung Quốc) vẫn giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm về tổ chức công và tuyên bố rằng trọng tâm của phân tích là "về chính tổ chức đó ..., các đặc điểm cốt lõi và mối quan hệ của tổ chức đó với chính phủ",  trong khi "hành vi của một tổ chức - đặc biệt khi nó có 'hoạt động có hệ thống và mang tính ổn định' - là một trong những loại bằng chứng khác nhau có thể làm sáng tỏ các đặc điểm cốt lõi của một thực thể và mối quan hệ của nó với chính phủ theo nghĩa hẹp.

Cơ quan Phúc thẩm xem xét thêm rằng "sự tập trung vào tổ chức, trái ngược với hành vi bị cáo buộc là đóng góp tài chính, phù hợp với thực tế là 'chính phủ' (theo nghĩa hẹp) và tổ chức công 'chia sẻ' một mức độ giống nhau hoặc trùng lặp về các đặc điểm cơ bản của mình '- tức là cả hai đều có bản chất là "chính phủ", và tương tự như một chính phủ, "tất cả các hành vi" của một tổ chức được chứng minh là một tổ chức công "sẽ được quy cho Thành viên liên quan theo Điều 1.1 (a) (1)." Về vấn đề này, Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng, khi xem xét các tổ chức liên quan có phải là tổ chức công hay không, thì một chính phủ phải bị kết luận là thực thi "kiểm soát có ý nghĩa" đối với hành vi được đề cập theo Điều 1.1(a)(1)(i) - (iii) hoặc điều khoản đầu tiên của điểm (iv), và Cơ quan Phúc thẩm tuyên bố rằng loại điều tra này giống với điều tra của CQĐT hơn. Liên quan đến khoản thứ hai của Điều 1.1(a)(1)(iv) của Hiệp định SCM. Cơ quan Phúc thẩm chỉ ra rằng:

Khi bị cáo buộc rằng hành vi của một tổ chức tư nhân cấu thành khoản đóng góp tài chính, CQĐT phải chứng minh thêm 'mối liên hệ giữa chính phủ và hành vi đó' dưới hình thức 'ủy thác hoặc chỉ đạo' (entrustment or direction) ... Ngược lại, nếu chứng minh được rằng một tổ chức là tổ chức công trong hệ thống nội địa của một Thành viên, thì hành vi của tổ chức đó được quy trực tiếp cho Thành viên liên quan.

Trong vụ Hoa Kỳ- Biện pháp đối kháng (Trung Quốc) (Điều 21.5- Trung Quốc), một thành viên Cơ quan Phúc thẩm bày tỏ ý kiến riêng về những gì Cơ quan Phúc thẩm coi như một tiêu chí thiết yếu để xác định xem một tổ chức có phải là tổ chức công hay không, cụ thể là yêu cầu mà tổ chức đó "sở hữu, thực hiện hoặc được trao cho thẩm quyền của chính phủ". Ý kiến riêng của thành viên Cơ quan Phúc thẩm lưu ý rằng cụm từ nêu trên, được đa số sử dụng trong trường hợp này, là "cứng nhắc và giới hạn". Do đó, người này làm rõ thêm: Việc một tổ chức có phải là một tổ chức công hay không phải được xác định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể xem xét các đặc điểm của tổ chức liên quan, mối quan hệ của tổ chức đó với chính phủ và môi trường pháp lý và kinh tế phổ biến ở nước mà tổ chức đó hoạt động. Một tổ chức có thể được coi là một tổ chức công khi chính phủ có khả năng kiểm soát tổ chức đó và/hoặc hành vi của tổ chức đó để chuyển tải giá trị tài chính. Không có quy định về việc CQĐT phải xác định xem tổ chức bị điều tra có 'sở hữu, thực hiện hoặc được giao thẩm quyền chính phủ hay không' trong từng vụ việc.

- Tiêu chuẩn về bằng chứng của vấn đề tổ chức công: Cơ quan Phúc thẩm nhận thấy rằng việc xác định liệu hành vi, thuộc phạm vi của Điều 1.1(a)(1), là của một tổ chức công, có yêu cầu việc "đánh giá đúng các đặc điểm cốt lõi của tổ chức liên quan và mối quan hệ của tổ chức đó với chính phủ theo nghĩa hẹp" hay không. Ngoài ra, CQĐT cần xem xét "tất cả các đặc điểm liên quan của tổ chức" và do đó nên tránh tập trung hoàn toàn hoặc quá mức vào bất kỳ đặc điểm đơn lẻ nào mà không xem xét kỹ lưỡng những đặc điểm khác có thể liên quan.

Tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon (Ấn Độ), Cơ quan Phúc thẩm không đồng ý với cách giải thích của Ban Hội thẩm rằng Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (Trung Quốc) đã "ngầm chấp nhận" rằng quyết định của CQĐT có thể hoàn toàn dựa vào khía cạnh duy nhất của mối quan hệ của tổ chức với một chính phủ, cụ thể là, liệu một tổ chức có chịu sự kiểm soát của chính phủ hay không theo nghĩa là các giám đốc điều hành của tổ chức được "chính phủ bổ nhiệm".

Ban Hội thẩm tại vụ Hoa Kỳ - Thép các bon (Ấn Độ) (Điều 21.5 - Ấn Độ) bác bỏ lập luận của Ấn Độ rằng Ban Hội thẩm có thể được phép xem xét thông tin được gửi trong quá trình điều tra nhưng CQĐT (USDOC) đã bị pháp luật cấm xem xét: "Mặc dù về mặt kỹ thuật, 'thông tin thực tế mới' đã được ghi trong hồ sơ, nhưng điểm mấu chốt là, theo Hoa Kỳ, USDOC đã bị cấm xem xét về mặt pháp lý đối với thông tin này trong cuộc điều tra của họ. Tiêu chuẩn rà soát (standard of review) của một Ban Hội thẩm theo Hiệp định SCM là 'một Ban hội thẩm phải kiểm tra xem, dựa trên các bằng chứng trong hồ sơ, các kết luận mà CQĐT đưa ra có hợp lý và đầy đủ hay không". "Thông tin thực tế mới "không thể được coi là" có trong hồ sơ theo ý nghĩa này. Điều này là do USDOC không kết luận dựa trên thông tin đó, vì về mặt pháp lý USDOC bị cấm xem xét thông tin đó.

Ấn Độ cho rằng Ban Hội thẩm có thể cho phép xem xét 'thông tin thực tế mới'. Đối với Ấn Độ, 'bằng chứng đã có trong hồ sơ và trong tầm hiểu biết của Hoa Kỳ'. Ấn Độ giải thích rằng các phụ lục tương ứng đã được gửi trong quá trình tố tụng ban đầu và một số thông tin có thể được tìm thấy trong các trang web đã được cung cấp trong các cuộc điều tra liên quan trong khi các khía cạnh khác của thông tin liên quan đến các khái niệm, thuật ngữ hoặc bằng chứng mà USDOC đã tự nêu trong các tài liệu và quyết định của mình. Tuy nhiên, không có lý do nào trong các lý do mà Ấn Độ đưa ra bác bỏ nhận định rằng 'thông tin thực tế mới' không có trong hồ sơ cho mục đích đánh giá của USDOC...."

3. Đóng góp tài chính "của" các tổ chức nhà nước hoặc tổ chức tư nhân

Tại vụ việc Hàn Quốc - Các tàu thương mại, Ban Hội thẩm bác bỏ lập luận của Hàn Quốc rằng không có đóng góp tài chính nào "của" các tổ chức nhà nước hoặc tổ chức tư nhân trong việc tái cơ cấu các nhà máy đóng tàu của Hàn Quốc bởi vì việc tái cơ cấu đó được thực hiện chung, hoặc bởi các hội đồng chủ nợ, các cuộc họp của các bên quan tâm, hoặc quyết định của tòa án. Ban Hội thẩm kết luận rằng trong trường hợp một tổ chức công tham gia vào khoản vay do hội đồng chủ nợ đồng ý, thì phần khoản vay do tổ chức công đó tạo thành một khoản đóng góp tài chính của tổ chức công đó. Ban Hội thẩm cho rằng: "Các tổ chức tham gia đóng góp tài chính phải chịu trách nhiệm về sự tham gia đó. Do đó, trong phạm vi một tổ chức công tham gia vào khoản vay được hội đồng chủ nợ đồng ý, thì phần khoản vay do tổ chức công đó có thể được xử lý với tư cách là một khoản đóng góp tài chính của tổ chức công đó. Nếu không, các nguyên tắc của Hiệp định SCM có thể dễ dàng bị phá vỡ bởi các nhóm tổ chức công quyết định chung, hoặc dưới sự chấp thuận của tòa án, về việc cung cấp đóng góp tài chính.

 


[1] Cơ quan Phúc thẩm (CQPT) vụ Hoa Kỳ - Thép cacbon (Ấn Độ).

[2] Cơ quan Phúc thẩm vụ Brazil – Máy bay, và Ban Hội thẩm vụ Hoa Kỳ - Hạn chế Xuất khẩu.

[3] Cơ quan Phúc thẩm vụ Hoa Kỳ - Gỗ xẻ mềm IV.

[4] Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm vụ Hoa Kỳ- Máy bay dân dụng cỡ lớn (khiếu kiện lần 2).

[5] Ban Hội thẩm vụ Hoa Kỳ- Hạn chế xuất khẩu.

[6] Cơ quan Phúc thẩm vụ Hoa Kỳ- Gỗ xẻ mềm IV.

[7] Cơ quan Phúc thẩm vụ Canada- Năng lượng tái tạo.

[8] Ban Hội thẩm Hoa Kỳ- Gỗ xẻ mềm VII.

[9] Cơ quan Phúc thẩm vụ Hoa Kỳ- Biện pháp đối kháng (Trung Quốc).

[10] Cơ quan Phúc thẩm vụ Hoa Kỳ- Thép cacbon (Ấn Độ).

[11] Ban Hội thẩm vụ Hoa Kỳ- Thép cacbon (Ấn Độ) (Điều 21.5- Ấn Độ).

Tin tức khác