Nghiên cứu một số diễn biến mới về quy định, thực tiễn phòng vệ thương mại của Chile

I. Tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại Chile đã được công nhận rộng rãi là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về tự do kinh tế, không ngừng thúc đẩy thương mại quốc tế. Chile là một bên của Hiệp định Marrakesh và là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kể từ đó, Chile đã trở thành một nước tích cực thúc đẩy thương mại tự do. Do đó, phòng vệ thương mại được coi là cơ chế đặc biệt và chỉ được kích hoạt sau khi điều tra kỹ lưỡng và xem xét đầy đủ các luận c

Trừ trong một số trường hợp, tất cả hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất tối huệ quốc là 6%, và hàng hóa đã qua sử dụng phải trả thêm 50% mức thuế đó. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng 19% được tính trên giá trị (ad valorem) của sản phẩm. Ưu đãi chỉ được cấp khi xem xét nước xuất xứ và phân loại thuế quan của một số sản phẩm. Mặt khác, xuất khẩu không phải trả bất kỳ khoản thuế nào.

Các nhà nhập khẩu không phải chịu bất kỳ sự cấp phép nào. Tuy nhiên, nếu giá trị 'giao lên tàu' (FOB) của hàng nhập khẩu trên 1.000 đô la Mỹ, thì thủ tục hải quan phải được thực hiện thông qua một đại lý hải quan (phụ trợ của dịch vụ công), cụ thể là Dịch vụ Hải quan Quốc gia và phải được cấp phép đại diện cho bên thứ ba trong việc thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Một số hàng hóa nhất định phải chịu các hạn chế vì lý do sức khỏe và nghĩa vụ quốc tế (chẳng hạn như Nghị định thư Montreal) hoặc vì lý do an ninh quốc gia.

Do những điều trên và các biện pháp khác do các cơ quan có thẩm quyền Chile thực hiện, hệ thống này đã thúc đẩy thương mại quốc tế trên toàn thế giới một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng thực tế hoặc sắp xảy ra đối với sản xuất và công nghiệp trong nước, các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được áp dụng như các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định.

Các cơ chế đó được đưa vào các hiệp định thương mại tự do, tuân theo các nguyên tắc hiệp định của WTO, với những điều chỉnh nhỏ trong từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ, Ủy ban Quốc gia phụ trách điều tra sự tồn tại của sự bóp méo trong giá hàng hóa nhập khẩu (Ủy ban) gần đây đã kết thúc cuộc điều tra về việc bán phá giá nhập khẩu thanh thép mài có đường kính dưới 4 inch từ Trung Quốc, và cơ quan quyết định áp thuế chống bán phá giá 5,6% (ngoại trừ một nhà xuất khẩu cụ thể). Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 11/12/2019 liên quan đến thanh thép mài của công ty Goldpro New Materials Co Ltd của Trung Quốc và hết hạn vào ngày 23/5/2020.

Tháng 4/2020, Ủy ban đã bắt đầu một cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc bán phá giá nhập khẩu bi mài bằng thép rèn có đường kính dưới 4 inch có xuất xứ từ Trung Quốc. Cuộc điều tra đã khép lại mà không áp thuế cho các bên bị điều tra.

Thủ tục áp dụng các biện pháp tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng được quy định thích hợp và phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

Vụ việc có thể được khởi xướng bằng khiếu nại của những người bị ảnh hưởng bởi bán phá giá hoặc trợ cấp, hoặc theo yêu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp tự vệ.

Khiếu nại về việc bán phá giá hoặc trợ cấp phải được đệ trình bởi các đại diện của ngành có sản lượng tập thể chiếm hơn 50% tổng sản lượng của ngành sản xuất trong nước có liên quan. Đối với các biện pháp tự vệ, đơn yêu cầu phải được đệ trình bởi đại diện ngành của ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa nghiêm trọng liên quan, cụ thể là tất cả các nhà sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh hoặc những doanh nghiệp mà tổng sản lượng của các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp chiếm tỷ trọng chính trong tổng sản lượng nội địa.

Trong những trường hợp ngoại lệ, một cuộc điều tra có thể được tự khởi xướng bởi Ủy ban khi có căn cứ bảo đảm.

Các khiếu nại và yêu cầu phải được gửi tới Chủ tịch của Ủy ban và được trình lên Ban Thư ký kỹ thuật của Ủy ban, cung cấp bằng chứng chứng minh về những điều sau:

  1. trong trường hợp bán phá giá và trợ cấp, sự bóp méo giá cả gây thiệt hại thực tế hoặc sắp xảy ra cho ngành sản xuất trong nước; và
  2. trong trường hợp các biện pháp tự vệ, sự gia tăng nhập khẩu và điều này gây ra hoặc đe dọa thiệt hại như thế nào đối với sản xuất trong nước sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp.

Sau khi nhận được các khiếu nại, Ủy ban sẽ xem xét bằng chứng và xác định xem có đáp ứng để khởi xướng một cuộc điều tra hay không và công bố đề cương cho cuộc điều tra trên Công báo nếu các khiếu nại được chấp nhận. Nếu không, một quyết định không chấp nhận sẽ được thông báo cho nguyên đơn.

Sau khi Ủy ban quyết định khởi xướng điều tra, trong trường hợp bán phá giá, cần thông báo cho chính phủ của quốc gia có liên quan và các công ty bị cáo buộc; trong vụ việc trợ cấp, cần thông báo cho chính phủ của quốc gia có liên quan; và, trong vụ việc tự vệ, cần thông báo cho Ủy ban Tự vệ của WTO và các quốc gia mà Chile đã ký kết các hiệp định thương mại.

Các cuộc điều tra về bán phá giá và trợ cấp phải được kết thúc trong vòng 1 năm và trong mọi trường hợp trong vòng 18 tháng, trừ những trường hợp đặc biệt. Ngược lại, các cuộc điều tra về biện pháp tự vệ phải được Ủy ban kết luận trong vòng 90 ngày.

Trong quá trình điều tra, Ủy ban có thể kiến nghị với Tổng thống, thông qua Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc áp dụng các biện pháp tạm thời. Các biện pháp này được thực hiện thông qua việc ban hành một sắc lệnh của Tổng thống. Tương tự, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp có thể được áp sau 60 ngày kể từ ngày bắt đầu điều tra và không được vượt quá 4 tháng hoặc 6 tháng trong các trường hợp đủ điều kiện. Các biện pháp tự vệ có thể được áp trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu điều tra và không được vượt quá 200 ngày.

Trong quá trình điều tra, Ủy ban sẽ gửi một bảng câu hỏi cho các bên quan tâm với các chi tiết về thông tin được yêu cầu và cách cấu trúc các câu trả lời. Hơn nữa, Ủy ban có thể yêu cầu thông tin bổ sung từ nguyên đơn và các bên quan tâm khác, họ có thể gửi thông tin bổ sung để giải quyết vụ việc tốt hơn.

Ủy ban sẽ bảo vệ thông tin mật được cung cấp trong quá trình này, nếu có cơ sở. Để tiết lộ thông tin như vậy, Ủy ban phải yêu cầu sự cho phép rõ ràng từ bên đã cung cấp thông tin đó.

Các phiên điều trần công khai có thể được tổ chức bất cứ khi nào các bên yêu cầu trình bày lý lẽ, nêu ý kiến và thảo luận về thông tin do các bên khác cung cấp. Tuy nhiên, bất kỳ thông tin nào được cung cấp bằng miệng phải được gửi bằng văn bản và cung cấp cho các bên quan tâm khác.

Trong các cuộc điều tra về bán phá giá hoặc trợ cấp, và theo Phụ lục 1 Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (Hiệp định GATT) và Phụ lục VI của Hiệp định Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng, Ủy ban có thể thực hiện các cuộc điều tra ở lãnh thổ nước ngoài để xác minh thông tin được cung cấp hoặc để biết thêm chi tiết, nếu cơ quan nước ngoài cho phép.

Dựa trên thông tin thu thập được trong quá trình điều tra, Ban Thư ký chuẩn bị một báo cáo kỹ thuật mật, trong đó cung cấp các yếu tố cần thiết cho quyết định của Ủy ban liên quan đến sự tồn tại của việc bóp méo giá cả hoặc tăng nhập khẩu và cách chúng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên ngành có thể được yêu cầu nếu cần thiết.

Để cho phép sự tham gia và vì mục đích minh bạch, Ủy ban sẽ công bố mọi quyết định sơ bộ nhưng không ảnh hưởng đến việc xử lý mật thông tin liên quan.

Khi kết thúc điều tra, trong trường hợp không có hiện tượng bóp méo nhập khẩu hoặc nhập khẩu quá mức, Ủy ban có thể khuyến nghị không áp dụng biện pháp, trong trường hợp đó, Ủy ban ra nghị quyết kết thúc điều tra và thông báo này được công bố trên Công báo. Ngược lại, nếu Ủy ban khuyến nghị áp dụng một biện pháp, Ủy ban sẽ đệ trình khuyến nghị và báo cáo lên Tổng thống, thông qua Bộ trưởng Bộ Tài chính, để quyết định. Nếu đồng ý với khuyến nghị, Tổng thống sẽ ban hành một sắc lệnh của Tổng thống hướng dẫn thực hiện biện pháp được khuyến nghị và đăng trên Công báo.

Thời hạn của các biện pháp tùy thuộc vào vấn đề bị kiện. Thời hạn của thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng không được vượt quá 1 năm kể từ khi công bố sắc lệnh của Tổng thống trên Công báo. Hơn nữa, hiệu quả của biện pháp được khuyến nghị không thể vượt quá biên độ bóp méo. Các biện pháp tự vệ không được vượt quá 2 năm kể từ khi công bố sắc lệnh của tổng thống trên Công báo và có thể gia hạn trong thời hạn tối đa là 2 năm. Nếu các biện pháp tạm thời được áp dụng trong quá trình điều tra, thời hạn 2 năm được tính kể từ ngày công bố nghị định ra lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời.

Không có thủ tục kháng cáo cụ thể đối với các quyết định phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, theo các quy tắc hành chính chung hiện hành, có một số hành động hành chính và tư pháp dành cho bên bị ảnh hưởng để kháng cáo các biện pháp loại này.

Có 2 hành động hành chính có thể được gửi cho Ủy ban hoặc cấp trên của nó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Cả 2 loại hành động (xem xét lại và kháng cáo theo thứ bậc) đều có thể liên quan đến các vấn đề pháp lý hoặc chính sách và phải được đệ trình trong vòng 5 ngày kể từ ngày công bố biện pháp liên quan. Một tùy chọn khác cho hành động hành chính (áp dụng cho bất kỳ ai) là một bản trình bày trước Tổng kiểm soát viên- Comptroller General (một thực thể độc lập) để kiện tính hợp pháp của một nghị quyết. Đây là một thủ tục ngắn trong đó Tổng kiểm soát viên yêu cầu thông tin từ các cơ quan bị ảnh hưởng và đưa ra quyết định.

Cũng có thể theo đuổi các hành động tư pháp. Bên bị ảnh hưởng có thể trình bày khiếu kiện hủy bỏ trước một thẩm phán dân sự tại các tòa án công lý thông thường, trong trường hợp đó, việc xét xử tuân theo các quy tắc thủ tục chung; tuy nhiên, đây thường là một thủ tục dài và có thể mất nhiều năm. Tuy nhiên, nguyên đơn có thể yêu cầu các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn ảnh hưởng của hành vi bị tranh chấp.

Lập luận cho khiếu nại trong trường hợp này là một hành vi hành chính đã vi phạm luật pháp hoặc Hiến pháp, và do đó sẽ chỉ đơn giản là một khiếu nại pháp lý chứ không phải một vấn đề chính sách. Mặc dù về mặt lý thuyết không có thời hiệu cho hành động này, nhưng các tòa án đã nói rằng các quy tắc chung nên được áp dụng, do đó thời hiệu là 5 năm.

Một lựa chọn khác là nộp đơn khiếu nại về hiến pháp, đó là khiếu nại được gửi lên tòa án cấp phúc thẩm do vi phạm các quyền hiến pháp được quy định tại Điều 19 của Hiến pháp Chile. Khiếu nại phải được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố hành vi hành chính. Đây là một thủ tục đơn giản và ngắn gọn, trong đó tòa án xem xét báo cáo từ cơ quan có thẩm quyền trước khi ra quyết định.

Cuối cùng, có thể nộp đơn kiện quyền hiến định về kinh tế lên tòa án cấp phúc thẩm trong vòng 6 tháng kể từ khi một hành vi được công bố, khiếu nại việc vi phạm quyền hiến định để phát triển các hoạt động kinh tế hợp pháp được quy định tại Điều 19 số 21 của Hiến pháp.

Tất cả các hành động được đề cập ở trên (ngoại trừ thủ tục Comptroller General) yêu cầu nguyên đơn phải có quyền bị ảnh hưởng hoặc lợi ích hợp pháp trong vấn đề này.

II. Khuôn khổ pháp lý

Thủ tục và quy tắc hải quan chủ yếu được tìm thấy trong Pháp lệnh Hải quan, Bản tổng hợp các quy định về hải quan và Bộ luật thuế quan, dựa trên Hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa hài hòa của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

Khuôn khổ pháp lý về phòng vệ thương mại dựa trên các hiệp định của WTO. Hơn nữa, Nghị định tối cao số 16 ban hành năm 1995 đã kết hợp vào luật của Chile Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, và các Điều VI và XIX của Hiệp định GATT.

Ngoài ra, luật chính của Chile bao gồm Luật số 18.525 về Nhập khẩu hàng hóa, ban hành năm 1986 và được sửa đổi vào các năm 1999, 2001, 2003 và 2011.

Thủ tục kiện và yêu cầu các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp được quy định tại Nghị định số 1.314 năm 2012 của Bộ Tài chính.

Cuối cùng, Chile là thành viên của 29 hiệp định thương mại bao gồm các biện pháp phòng vệ thương mại và những hiệp định đó, sau khi được Quốc hội Chile thông qua, sẽ được đưa vào hệ thống pháp luật của Chile.

III. Khuôn khổ hiệp ước

Nhận thức được sự cần thiết của các quy tắc và nguyên tắc rõ ràng trong thương mại quốc tế, Chile là thành viên sáng lập của WTO và là một bên của Hiệp định Marrakesh, được thông qua tại Chile thông qua Nghị định số 16 của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, Chile là thành viên của các hiệp định WTO khác như Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại và Hiệp định Mua sắm Chính phủ.

Hơn nữa, Chile đã tham gia 4 loại hiệp định thương mại, khác nhau về phạm vi và mức độ cam kết. Loại hiệp định đầu tiên là hiệp định phạm vi từng phần, áp dụng cho một nhóm hạn chế hàng hóa được ưu đãi thuế quan, đây là trường hợp của hiệp định với Ấn Độ. Thứ hai là hiệp định bổ sung kinh tế, tự do hóa thương mại hàng hóa và đưa ra các nghĩa vụ sâu sắc hơn, giống như các hiệp định của Chile với Bolivia, Ecuador và Mercosur, cùng những hiệp định khác. Loại hiệp định thứ ba là hiệp định thương mại tự do, thiết lập một khu vực mậu dịch tự do giữa các quốc gia, đây là trường hợp của các hiệp định với Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Trung Quốc và Mexico, cùng một số nước khác. Cuối cùng, có các hiệp định liên kết chiến lược, bao gồm các vấn đề khác cũng như thương mại, chẳng hạn như hợp tác xã hội và công nghệ, và đây là trường hợp của các hiệp định với Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Chile đã ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia sau: Úc, Argentina, Bolivia, Canada, Trung Quốc, Colombia, Cuba, Ecuador, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Panama, Peru, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Uruguay, Venezuela và Việt Nam.

IV. Những thay đổi gần đây

Luật Phòng vệ thương mại số 18.525 đã được sửa đổi vào năm 2011 và các quy định mới về thủ tục phòng vệ thương mại được quy định tại Nghị định số 1.314 năm 2013, thay thế Nghị định số 575 năm 1993 về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và Nghị định số 909 năm 1999 về các biện pháp tự vệ.

Việc sửa đổi Luật số 18.525 đã tăng thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ. Theo Hiệp định Tự vệ của WTO, thời hạn tối đa là 8 năm được phép, bao gồm cả việc gia hạn. Trước đây, Luật số 18.525 chỉ cho phép 1 năm với thời hạn gia hạn tương đương biện pháp ban đầu (tức là tối đa 2 năm). Hiện tại, các biện pháp tự vệ có thể được thực hiện trong 2 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm.

Nghị định số 1.314 đã hệ thống hóa cơ chế phòng vệ thương mại bằng cách đưa ra các quy tắc về biện pháp khắc phục hậu quả, do đó mang lại sự chắc chắn hơn cho các bên quan tâm; bằng cách cải thiện thủ tục để áp dụng các biện pháp; và bằng cách thiết lập các chức năng của Ủy ban.

V. Những diễn biến đáng kể về pháp lý và thực tiễn

Tính đến năm 2010, các tòa án chuyên biệt đã được thực hiện ở Chile đối với các tranh chấp về thuế và hải quan. Các tòa án thuế và hải quan mới tìm cách mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư tư nhân bằng cách đưa ra tùy chọn để giải quyết các quyết định của cơ quan thuế hoặc hải quan tại một tòa án độc lập và chuyên gia.

Các thủ tục tố tụng được quy định để minh bạch, hiệu quả và hiện đại, và cung cấp công lý một cách hiệu quả.

Một diễn biến pháp lý quan trọng khác liên quan đến cách tiếp cận chuyển giá của các cơ quan có thẩm quyền của Chile. Chuyển giá đang ngày càng trở nên quan trọng ở Chile, đặc biệt là sau cải cách thuế năm 2012, điều này đã củng cố các quy tắc hiện hành về phương pháp tính giá trị trong các giao dịch với bên liên quan, phù hợp với các quy tắc và nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Cơ quan Quản lý thuế đã nhất quán trong việc tiến hành các cuộc điều tra và yêu cầu cung cấp thông tin để hỗ trợ việc áp dụng điều chỉnh chuyển giá và điều này cũng mở rộng sang các cuộc điều tra xác định giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Một trong những cải tiến của cải cách thuế là bao gồm cơ chế thỏa thuận định giá trước, bao gồm thỏa thuận với Cơ quan quản lý thuế hoặc với Cục Hải quan quốc gia trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu, về việc xác định giá cả, trị giá hoặc lợi nhuận thị trường thông thường trong các hoạt động này với các bên liên quan. Thỏa thuận này kéo dài trong 3 năm và có thể được gia hạn.

Chế độ chuyển giá chắc chắn sẽ dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nhiều kiểm soát và kiểm toán hơn, nhưng hệ thống các tòa án chuyên trách và độc lập sẽ cải thiện cơ hội bảo vệ công bằng cho người nộp thuế, nhà xuất nhập khẩu.

V. Tranh chấp thương mại

Chile đã tham gia vào một số tranh chấp của WTO. Cụ thể, tham gia vào 10 tranh chấp với tư cách nguyên đơn, 13 tranh chấp với tư cách bị đơn và 48 tranh chấp với tư cách là bên thứ ba.

Trong các tranh chấp này, Argentina là đối tác thường xuyên và các sản phẩm liên quan là những sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, chẳng hạn như sữa, lúa mì, bột mì và dầu thực vật ăn được. Thông thường, các ngành công nghiệp của Argentina tham gia vào các thủ tục điều tra của Ủy ban bày tỏ sự không đồng tình với các biện pháp được đề xuất và những biện pháp cuối cùng do chính phủ quy định.

Một trong những vụ việc nổi bật nhất giữa Chile và Argentina liên quan đến hệ thống biên độ giá do Chile duy trì. Theo hệ thống này, thuế suất đối với lúa mì, bột mì, đường và dầu thực vật ăn được từ Argentina có thể được điều chỉnh nếu giá giảm xuống dưới hoặc tăng vượt ngưỡng quy định của biên độ giá.

Hệ thống này đã bị Argentina kiện tại WTO, nơi vụ việc đã được xét xử bởi Ban hội thẩm của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO (DSU) và Cơ quan Phúc thẩm của WTO .

Cơ quan Phúc thẩm đã đảo ngược 2 kết luận ban đầu của ban hội thẩm, kết luận đầu tiên liên quan đến một vấn đề do Argentina đưa ra mà chưa được đưa ra trong yêu cầu của ban hội thẩm, do đó tước quyền của Chile theo thủ tục tố tụng theo Điều 11 của Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Kết luận bị đảo ngược thứ hai liên quan đến cách hiểu của Ban hội thẩm về hệ thống biên độ giá của Chile như một loại thuế hải quan thông thường, được đánh giá trên cơ sở các yếu tố giá ngoại sinh.

Bất chấp những điều trên, Cơ quan Phúc thẩm kết luận rằng hệ thống biên độ giá của Chile không phù hợp với Điều 4.2 của Hiệp định Nông nghiệp và tán thành kết luận của Ban hội thẩm rằng đây là một biện pháp biên giới tương tự như thuế nhập khẩu thay đổi và giá nhập khẩu tối thiểu.

Chile đã sửa đổi hệ thống biên độ giá của mình sao cho tổng số thuế áp dụng đối với nhập khẩu lúa mì, bột mì và đường thay đổi theo hai cách: thông qua việc áp đặt các mức thuế cụ thể bổ sung hoặc thông qua các khoản giảm giá nhượng bộ đối với số tiền phải trả. Khi giá tham chiếu được xác định bởi các cơ quan có thẩm quyền của Chile giảm xuống dưới ngưỡng của biên độ giá thấp hơn, một mức thuế cụ thể đã được thêm vào biểu thuế (theo giá trị). Ngược lại, khi giá tham chiếu cao hơn ngưỡng trên, hàng nhập khẩu sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế.

Argentina sau đó đã chuyển khiếu nại lên ban hội thẩm ban đầu về việc các biện pháp mà Chile đã áp dụng là không đủ. Ban hội thẩm kết luận rằng Chile đã không thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSU trong tranh chấp ban đầu và hệ thống này, ngay cả khi có sửa đổi, vẫn tiếp tục là một biện pháp biên giới tương tự như thuế nhập khẩu thay đổi và giá nhập khẩu tối thiểu, không phù hợp với Điều 4.2 của Hiệp định Nông nghiệp. Cơ quan Phúc thẩm tán thành kết luận của ban hội thẩm.

VI. Triển vọng

Chile đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với Úc, Brunei, Canada, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là kết quả của việc Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và bao gồm tất cả các quốc gia đã đàm phán TPP ngoại trừ Hoa Kỳ, và tất cả các điều khoản của TPP ngoại trừ 20 phần đã bị đình chỉ và chủ yếu đề cập đến sở hữu trí tuệ. CPTPP vẫn chưa có hiệu lực vì còn phải được Quốc hội thông qua (đã được Hạ viện thông qua và hiện đang được Thượng viện xem xét), nhưng hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho Chile và những người đầu tư vào Chile.

Tin tức khác