Thực tiễn hoạt động thẩm tra tại chỗ và thẩm tra tại bàn của Canada trong các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá

1. Thực tiễn hoạt động thẩm tra tại chỗ của Canada:

Trong quá trình điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thẩm tra tại chỗ (on-spot verification) là một hoạt động điều tra quan trọng nhằm đánh giá tính chính xác của thông tin do các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cung cấp. Việc tiến hành hoạt động này được quy định tại Điều 6.7 Hiệp định về các biện pháp chống bán phá giá của WTO (ADA) như sau:

Để có thể xác minh các thông tin được cung cấp hoặc để thu thập thêm các thông tin chi tiết, cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành điều tra trên lãnh thổ của các Thành viên khác nếu như các công ty liên quan đồng ý và sau khi đã tiến hành thông báo cho đại diện chính phủ của Thành viên và Thành viên này không phản đối việc điều tra đó. Các thủ tục được mô tả tại Phụ lục I sẽ được áp dụng cho tiến trình điều tra được thực hiện trên lãnh thổ của Thành viên khác. Không làm ảnh hưởng đến yêu cầu bảo mật thông tin, các cơ quan có thẩm quyền sẽ công khai hoặc công bố kết quả của các cuộc điều tra này cho các công ty hữu quan và công khai kết quả này cho bên yêu cầu tiến hành điều tra theo đúng với qui định tại khoản 9 của Hiệp định

Đối với Canada, Cơ quan thực hiện thẩm tra tại chỗ cũng là Cơ quan chịu trách nhiệm tính toán biên độ bán phá giá trong các vụ việc chống bán phá giá – Cơ quan biên phòng Canada (Canada Border Services Agency – CBSA). Căn cứ theo các hướng dẫn của WTO trong Phụ lục I ADA – Quy trình điều tra tại chỗ theo Điều 6.7 ADA, CBSA đã nội luật hóa các quy định này thành quy tắc và quy trình thực tiễn điều tra.

Thẩm tra tại chỗ được CBSA áp dụng đối với cả vụ việc điều tra chống bán phá giá ban đầu và các đợt rà soát vụ việc. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ trước hoặc sau khi ban hành kết luận sơ bộ về biên độ bán phá giá. Việc thẩm tra tại chỗ được tiến hành trong vòng 2 đến 4 ngày nhằm xác thực các nội dung trả lời của đối tượng nộp bản trả lời câu hỏi.

Để đảm bảo hiệu quả của việc thẩm tra, CBSA sẽ thực hiện một số hoạt động liên quan như sau:

(1) CBSA thông báo tới các bên liên quan về khả năng thực hiện thẩm tra tại chỗ ngay khi khởi xướng điều tra để các bên chuẩn bị sẵn sàng việc giải trình, xác thực về các nội dung cung cấp trong bản trả lời câu hỏi điều tra.

(2) CBSA sẽ thông báo về buổi thẩm tra (thời gian, địa điểm) cho nhà xuất khẩu để xác định khả năng tiến hành thẩm tra. Trong trường hợp nhà xuất khẩu không thể tham gia thẩm tra, lịch thẩm tra sẽ bị hủy bỏ hoặc sắp xếp lại.

(3) CBSA đề nghị nhà xuất khẩu cử các cán bộ đã thực hiện việc chuẩn bị trả lời bản câu hỏi tham gia vào buổi thẩm tra tại chỗ để đảm bảo hiệu quả của các buổi làm việc.

(4) Bản sao và bản gốc của các tài liệu liên quan sẽ được Cơ quan điều tra rà soát, kiểm tra trong suốt quá trình thẩm tra tại chỗ. Do đó, CBSA sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu có sự chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu này.

(5) Cán bộ thẩm tra có thể thực hiện việc thăm quan nhà xưởng hoặc các địa điểm có liên quan đến bản trả lời câu hỏi.

(6) CBSA sẽ chuẩn bị một kế hoạch thẩm tra chi tiết bao gồm cả các câu hỏi, các nghi vấn liên quan đến bản trả lời và sẽ trao đổi trước với nhà xuất khẩu để có sự chuẩn bị giải trình.

Trong quá trình thẩm tra tại chỗ, CBSA cũng có thể thu thập thêm các thông tin cần thiết cho việc xác định hành vi bán phá giá để củng cố thêm cho kết luận điều tra.

Sau khi kết thúc thẩm tra, CBSA sẽ gửi cho nhà xuất khẩu báo cáo thẩm tra. Trong trường hợp cần thiết, nhà xuất khẩu có thể yêu cầu CBSA tổ chức buổi làm việc để làm rõ một số nội dung trong báo cáo thẩm tra.

2. Hoạt động thẩm tra tại bàn của Canada

Trong một số trường hợp, CBSA có thể lựa chọn thẩm tra tại bàn (desk audit) thay vì thẩm tra tại chỗ. Đúng như tên gọi của hoạt động, thẩm tra tại bàn có nghĩa là các cán bộ CBSA sẽ thực hiện việc xác minh số liệu thông qua trao đổi với nhà xuất khẩu bằng các công cụ công nghệ thông tin thay vì phải di chuyển đến địa điểm của nhà xuất khẩu. Mục đích của thẩm tra tại bàn cũng giống với thẩm tra tại chỗ, xác thực các thông tin trong bản trả lời câu hỏi và đề nghị bổ sung thông tin trong quá trình điều tra.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp thẩm tra tại bàn là sự thuận tiện. Việc thẩm tra vẫn có thể tiến hành mà không cần bố trí một đoàn công tác dài ngày đến trụ sở của nhà xuất khẩu. Trong các trường hợp nhà xuất khẩu ở một địa điểm cách xa Canada, việc thẩm tra tại bàn sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho đoàn công tác. Cùng với đó, với sự thuận tiện của phương pháp này, CBSA và nhà xuất khẩu có thể linh hoạt và dễ dàng sắp xếp được lịch làm việc phù hợp với hai bên.

Tuy vậy, biện pháp thẩm tra tại bàn được xem là không thể thay thế được thẩm tra tại chỗ mà chỉ có thể là biện pháp bổ trợ bên cạnh thẩm tra tại chỗ. Ý kiến này được chính Canada thừa nhận trong bản thông báo về thực tiễn thẩm tra tại chỗ do Canada gửi Ban thư ký WTO ngày 20 tháng 10 năm 2003[1]. Canada cho rằng tính tin cậy và chính xác của kết quả thẩm tra tại bàn không được đảm bảo. Nhà xuất khẩu vẫn có thể lợi dụng các yếu tố công nghệ để gian lận trong quá trình thẩm tra tại bàn. Đặc biệt, việc xem xét các tài liệu gốc thông qua các thiết bị, phần mềm công nghệ sẽ không đảm bảo được tính chính xác.

Căn cứ các ưu, nhược điểm của biện pháp thẩm tra tại bàn, CBSA thường xem xét lựa chọn áp dụng phương pháp thẩm tra tại bàn dựa trên một số tiêu chí nhất định:

- So sánh giá trị thông thường từ các phân tích sơ bộ bản trả lời của nhà xuất khẩu với số liệu đã được thẩm tra của các nhà xuất khẩu khác. Yếu tố này được xem là yếu tố để loại trừ việc thẩm tra chi tiết đối với một nhà xuất khẩu trong trường hợp số liệu được nhà xuất khẩu này cung cấp cho ra kết quả tương đối hợp lý so với các số liệu do các nhà xuất khẩu khác (đã được thẩm tra) cung cấp.

- Kết quả thẩm tra đối với nhà xuất khẩu đã được thực hiện trước đó (trong vòng 2 năm). Tiêu chí về kết quả thẩm tra này nhằm đánh giá tính trung thực của nhà xuất khẩu trong việc cung cấp thông tin đã từng được thẩm tra trong quá khứ. Nếu nhà xuất khẩu có kết quả thẩm tra được đánh giá là hợp tác và trung thực, CBSA có thể xem xét việc thẩm tra tại bàn dựa trên một số tiêu chí sau:

(1) Hồ sơ theo dõi sự tích cực tham gia cũng như cung cấp số liệu của nhà xuất khẩu.

(2) Tính toàn diện và tổ chức của bản trả lời câu hỏi. Thông qua việc đánh giá chất lượng bản trả lời câu hỏi, CBSA cũng xem xét được sự đáng tin cậy, hợp tác của nhà xuất khẩu.

(3) Phản hồi tích cực của nhà xuất khẩu khi Cơ quan điều tra yêu cầu bổ sung thông tin.

(4) Sự phù hợp giữa các bản trả lời câu hỏi ban đầu và bản trả lời câu hỏi bổ sung do nhà xuất khẩu cung cấp.

(5) Các vấn đề lớn phát sinh.

(6) Quy mô, số lượng các nhà xuất khẩu trong vụ việc.

(7) Lượng, giá trị và khả năng tăng trưởng của hàng hóa bị điều tra;

(8) Mức độ hiểu biết của CBSA về bản chất của sản phẩm và kiến thức liên quan đến quy trình sản xuất và chi phí nguyên liệu thô, cũng như khả năng xác minh dữ liệu một cách độc lập.

(9) Mức độ tin cậy của báo cáo tài chính.

Trong trường hợp quyết định thực hiện thẩm tra tại bàn, CBSA sẽ xây dựng một bản câu hỏi điều tra với các nội dung chi tiết. Các tài liệu cần xác minh sẽ được gửi tới nhà xuất khẩu. Phản hồi của nhà xuất khẩu đối với các tài liệu này sẽ là cơ sở để xác định việc có hay không cần thiết tổ chức thẩm tra tại bàn.

Sau khi thực hiện thẩm tra tại bàn, CBSA sẽ hoàn thành một bản báo cáo thẩm tra tại bàn tương tự như thẩm tra tại chỗ. Các vấn đề trong báo cáo thẩm tra tại bàn có thể sẽ được nhà xuất khẩu đưa ra ý kiến phản hồi, giải thích. Trong trường hợp phát sinh nghi ngờ hoặc sai khác quá lớn giữa kết quả thẩm tra tại bàn của các nhà xuất khẩu, CBSA có thể tiến hành thêm một cuộc thẩm tra tại chỗ.

Như vậy, cùng với sự phát triển về công nghệ thông tin, CBSA đã xây dựng cơ chế thẩm tra tại bàn bên cạnh thẩm tra tại chỗ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, hình thức này không thay thế được biện pháp thẩm tra tại chỗ mà chỉ là một hình thức bổ trợ có thể được sử dụng sau khi xem xét các yếu tố nhất định.

 


[1] Tài liệu số G/ADP/AHG/W/154