Nghiên cứu các diễn biến gần đây về hệ thống phòng vệ thương mại của Ấn Độ

I. Tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại Hệ thống thương mại hiện đại xuất hiện từ đống đổ nát của Chiến tranh thế giới thứ hai và chủ yếu là sự hình thành của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Hội nghị Bretton Woods (tháng 7/1944) thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Hội nghị Dumbarton Oaks (tháng 8- tháng 10/1944) thành lập tổ chức Liên hợp quốc (UN) và Hội nghị Havana (tháng 11/1947- tháng 3/1948) đã thiết lập Hiến chương Havana cho một Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO).

Năm 1947, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1947) được đàm phán như một biện pháp chốt chặn. Mặc dù GATT 1947 đã được soạn thảo, nhưng ITO chưa bao giờ được thành lập do Quốc hội Hoa Kỳ không thông qua. Kể từ khi thành lập, mục tiêu chính của GATT 1947 là giảm thuế quan, tăng cường thương mại quốc tế và minh bạch. Khi thuế suất được giảm dần theo thời gian sau hiệp định GATT 1947, các nước thành viên nhận thấy sự cần thiết phải cải cách khuôn khổ hiện có. Từ năm 1947- 1994, các bên ký kết GATT đã tham gia 8 vòng đàm phán, trong đó vòng đàm phán cuối cùng là Vòng đàm phán Uruguay (1986–1994). Các hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay được ký kết tại Marrakesh, Maroc vào ngày 15/4/1994 và cùng ngày Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời khi hiệp định thành lập WTO (Hiệp định WTO) được ký kết.

Hiệp định WTO, nói chung, bao gồm GATT 1994 như một bộ phận không thể tách rời, có giá trị ràng buộc đối với tất cả các thành viên. GATT 1994, đến lượt nó, bao gồm các điều khoản của GATT 1947, cũng như các điều khoản của các công cụ pháp lý có hiệu lực theo GATT 1947.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của GATT 1994 và WTO là đối xử tối huệ quốc (MFN). MFN có nghĩa là mỗi quốc gia thành viên phải áp dụng thuế quan như nhau đối với tất cả các đối tác thương mại. 'Đối xử quốc gia', là một nguyên tắc cốt lõi khác của GATT 1994, cấm phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước liên quan đến thuế nội địa hoặc các quy định khác của chính phủ. Trong đó, một mặt, các chế độ của GATT và WTO quy định đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử mặt khác, Hiệp định WTO quy định các ngoại lệ bằng cách cho phép sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, trong số các công cụ khác, cụ thể là:

a. các biện pháp chống bán phá giá nhằm chống lại hàng nhập khẩu có giá không công bằng;

b. các biện pháp trợ cấp hoặc đối kháng nhằm bù đắp trợ cấp do các chính phủ xuất khẩu cung cấp; và

c. biện pháp tự vệ khẩn cấp được thông qua để chống lại sự gia tăng không lường trước được trong nhập khẩu.

Căn cứ vào GATT 1994, các hướng dẫn chi tiết đã được quy định trong các hiệp định cụ thể mà cũng đã được đưa vào luật quốc gia của các nước thành viên của WTO. Luật của Ấn Độ đã được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/1995 bằng cách quy định một khuôn khổ thủ tục để khởi xướng và tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, áp dụng biện pháp và rà soát tư pháp. Tổng cục Phòng vệ Thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp, do Cơ quan được chỉ định (DA) chủ trì, tiến hành tất cả các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ở Ấn Độ. Từ năm 1995-2020, Ấn Độ đã khởi xướng 1.071 cuộc điều tra chống bán phá giá, tiếp theo là Hoa Kỳ với 817 cuộc điều tra. Từ tháng 1/2020- tháng 12/2020, các nước thành viên WTO đã khởi xướng 349 vụ điều tra chống bán phá giá, con số cao nhất cho đến nay. Nhìn chung, từ năm 1995- 2020, Trung Quốc đã phải chịu 1.069 biện pháp chống bán phá giá, tiếp theo là Hàn Quốc với 301 biện pháp. Trong cùng kỳ, các nước thành viên WTO đã khởi xướng tổng cộng 632 cuộc điều tra thuế chống trợ cấp; phần lớn trong số này (290) do Hoa Kỳ khởi xướng, tiếp theo là Liên minh Châu Âu (89) và Canada (76). Ấn Độ đã khởi xướng 28 cuộc điều tra chống trợ cấp, hầu hết đã xảy ra trong 3 năm qua và chủ yếu đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và các nước châu Á khác. Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp tự vệ trong 1 cuộc điều tra liên quan đến nhập khẩu pin và mô-đun năng lượng mặt trời.

II. Khuôn khổ pháp lý

  1. Các biện pháp chống bán phá giá

Theo luật pháp quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá được quy định tại Điều VI của GATT và Hiệp định thực hiện Điều VI của GATT 1994 (Hiệp định chống bán phá giá). Luật chống bán phá giá cho phép một quốc gia áp thuế tạm thời đối với hàng hóa do nhà sản xuất nước ngoài xuất khẩu khi giá xuất khẩu của hàng hóa đó thấp hơn giá trị thông thường của 'hàng tương tự' được bán tại thị trường nội địa của nhà xuất khẩu và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Tại Ấn Độ, các hành động chống bán phá giá được điều chỉnh bởi Mục 9A, 9AA, 9B và 9C của Đạo luật thuế quan 1975 (Đạo luật) và Biểu thuế hải quan (Xác định, Đánh giá và Thu thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng bán phá giá và để xác định Thiệt hại) Quy tắc 1995 (Quy tắc chống bán phá giá) được sửa đổi 1 số lần.

Cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ xác định hành vi bán phá giá và thiệt hại là DA và DGTR. Tuy nhiên, DA chỉ tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại và đề xuất thuế chống bán phá giá. Trách nhiệm thực tế đối với việc áp và thu thuế thuộc về Bộ Tài chính.

Luật nội địa của Ấn Độ quy định ​​rằng nếu bất kỳ mặt hàng nào được xuất khẩu từ bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đến Ấn Độ ở mức thấp hơn giá trị thông thường của nó, khi nhập khẩu mặt hàng đó vào Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ, thông qua Bộ Tài chính, có thể, bằng cách thông báo trong Công báo, áp thuế chống bán phá giá không vượt quá biên độ phá giá liên quan đến hàng hoá.

Vì việc bán phá giá là không thể đối kháng, nên có một yêu cầu nữa là xác định rằng tồn tại mối liên hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu bị bán phá giá và thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất trong nước. Biên độ thiệt hại đạt được bằng cách tính toán sự chênh lệch giữa giá không bị thiệt hại và chi phí tại cảng (landed) của sản phẩm nhập khẩu. Ấn Độ tuân theo quy định về mức thuế thấp hơn (lesser duty rule) của WTO; nghĩa là, Chính phủ Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá trong phạm vi biên độ phá giá hoặc biên độ thiệt hại, tùy theo mức nào thấp hơn. Chính phủ Ấn Độ (thông qua Bộ Tài chính) có toàn quyền không thực hiện các khuyến nghị của DA về việc đánh thuế, trong trường hợp đó, các kết luận sẽ tự động không có hiệu lực và không có thẩm quyền pháp lý.

DA thường đề xuất mức thuế trong thời hạn tối đa là 5 năm kể từ ngày áp thuế trừ khi lệnh áp thuế bị thu hồi trước đó. Tuy nhiên, nếu DA, trong một cuộc rà soát, cho rằng việc ngừng áp thuế có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá và gây thiệt hại, thì đôi khi DA có thể kéo dài thời hạn đánh thuế thêm 5 năm (được gọi là 'rà soát hoàng hôn'). Trong khoảng thời gian 5 năm, DA có thể thực hiện đánh giá 'hoàn cảnh đã thay đổi', còn được gọi là 'rà soát giữa kỳ'.

Ấn Độ cũng cho phép rà soát 'nhà xuất khẩu mới'. Trong cuộc rà soát này, bất kỳ nhà xuất khẩu nào không xuất khẩu sản phẩm sang Ấn Độ trong thời gian điều tra có thể yêu cầu xác định mức thuế bán phá giá riêng lẻ. Tuy nhiên, việc rà soát nhà xuất khẩu mới chỉ được phép nếu nhà xuất khẩu nộp đơn không liên quan đến nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất ở nước xuất khẩu đang chịu thuế chống bán phá giá. Để ngăn chặn việc trốn thuế chống bán phá giá, DA cũng tiến hành các cuộc điều tra chống lẩn tránh nhằm mở rộng phạm vi thuế được áp trong một cuộc điều tra trước đó.

Khuyến nghị và việc áp thuế chống bán phá giá có thể được kháng cáo lên một tòa án chuyên trách, Tòa án phúc thẩm về thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và dịch vụ (CESTAT), được thành lập theo Mục 129 của Đạo luật Hải quan 1962.

  1. Trợ cấp và các biện pháp đối kháng

Điều XVI của GATT 1994 và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (ASCM) đề cập đến các quy định về trợ cấp và việc sử dụng các biện pháp đối kháng để bù đắp thiệt hại do hàng nhập khẩu được trợ cấp gây ra. Theo ASCM, trợ cấp được coi là tồn tại nếu có sự đóng góp tài chính của chính phủ hoặc bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong lãnh thổ của thành viên hoặc có hình thức hỗ trợ giá và do đó có lợi ích.

Tại Ấn Độ, các hành động chống trợ cấp được điều chỉnh bởi các Mục 9, 9B và 9C của Đạo luật. Năm 1995, Quy tắc thuế quan (Xác định, đánh giá và thu thuế chống trợ cấp đối với các mặt hàng được trợ cấp và xác định thiệt hại) 1995 (Quy tắc đối kháng) được ban hành nhằm xác định cách thức xác định các mặt hàng được trợ cấp chịu thuế chống trợ cấp, cách thức mà khoản trợ cấp được cung cấp sẽ được xác định và cách thức mà thuế phải được thu thập và xác định theo Đạo luật.

Giống như đối với chống bán phá giá, DA tiến hành các cuộc điều tra đối kháng và đề xuất mức thuế theo các quy định tại Đạo luật và Quy tắc chống trợ cấp. Trách nhiệm về việc áp và thu thuế theo khuyến nghị của DA thuộc về Bộ Tài chính.

Luật của Ấn Độ về các biện pháp đối kháng tương tự như ASCM và quy định rằng khi bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào trả hoặc cấp (trực tiếp hoặc gián tiếp) bất kỳ khoản trợ cấp nào đối với việc sản xuất hoặc xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào, bao gồm bất kỳ khoản trợ cấp nào đối với việc vận chuyển hàng hoá, thì khi nhập khẩu các mặt hàng đó vào Ấn Độ, cho dù được nhập khẩu trực tiếp từ nước sản xuất, và dù được nhập khẩu trong điều kiện tương tự như khi xuất khẩu từ nước sản xuất hoặc sản xuất hoặc thay đổi tình trạng do sản xuất, chính phủ trung ương có thể, bằng cách thông báo trên Công báo, áp thuế chống trợ cấp không vượt quá số tiền trợ cấp.

DA khi xác định trợ cấp phải xác định chắc chắn liệu nó có:

a. liên quan đến thành tích xuất khẩu;

b. liên quan đến việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước hơn hàng hóa nhập khẩu; hoặc

c. đã được trao cho một số hạn chế những người tham gia chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu mặt hàng trừ khi trợ cấp dành cho:

d. các hoạt động nghiên cứu được thực hiện bởi hoặc nhân danh những người tham gia sản xuất hoặc xuất khẩu;

e. hỗ trợ các vùng khó khăn trong lãnh thổ của nước xuất khẩu; hoặc

f. hỗ trợ thúc đẩy sự thích ứng của các cơ sở hiện có với các yêu cầu mới về môi trường.

Giống như đối với các thông lệ chống bán phá giá, DA được yêu cầu đánh giá và đưa ra kết luận rằng việc nhập khẩu một mặt hàng được trợ cấp vào Ấn Độ gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Các nguyên tắc xác định thiệt hại được nêu trong Quy tắc 13 được đọc cùng Phụ lục I của Quy tắc đối kháng. Quy tắc 12 đọc cùng Phụ lục IV của Quy tắc đối kháng quy định việc tính toán số lượng trợ cấp đối kháng. Tuy nhiên, trong trường hợp một mặt hàng chịu thuế chống trợ cấp đã bị áp thuế chống bán phá giá, thì chính phủ có thể áp dụng thuế đối kháng với số tiền tương đương với mức chênh lệch giữa lượng thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá phải nộp.

Thuế đối kháng hết hiệu lực sau 5 năm kể từ ngày áp dụng, trừ khi được thu hồi trước đó. Tuy nhiên, nếu chính phủ trung ương, trong một cuộc rà soát, cho rằng việc ngừng áp thuế có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn trợ cấp và gây thiệt hại, thì tùy từng thời điểm, có thể kéo dài thời gian đánh thuế thêm 5 năm. Một kháng cáo chống lại lệnh áp thuế hoặc rà soát của DA liên quan đến sự tồn tại, mức độ và ảnh hưởng của trợ cấp liên quan đến việc nhập khẩu bất kỳ mặt hàng nào sẽ được đưa ra CESTAT.

  1. Các biện pháp tự vệ

Điều XIX GATT 1994 được đọc cùng với Hiệp định về các biện pháp tự vệ (AOS) cung cấp các quy tắc cơ bản cho các hành động tự vệ. Theo AOS, một thành viên có thể áp dụng các biện pháp tự vệ đối với một sản phẩm nếu thành viên đó xác định rằng sản phẩm đó đang được nhập khẩu vào lãnh thổ của mình với số lượng tăng lên, về mặt tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước các sản phẩm giống hệt hoặc tương tự, hoặc cạnh tranh trực tiếp. Điều 9 của AOS quy định đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển.

Luật Ấn Độ để thực thi các quy định của AOS đã được ban hành theo Mục 8B của Đạo luật. Quy tắc Thuế quan (Xác định và Đánh giá Thuế tự vệ) 1997 (Quy tắc Tự vệ) điều chỉnh các khía cạnh thủ tục. Hơn nữa, Mục 8C của Đạo luật và Quy tắc về thuế quan (Thuế tự vệ cụ thể cho các sản phẩm chuyển tiếp) 2002 đã được ban hành cụ thể để áp thuế tự vệ đối với bất kỳ mặt hàng nào nhập khẩu vào Ấn Độ từ Trung Quốc với số lượng tăng lên và trong các điều kiện như gây gián đoạn thị trường cho ngành sản xuất trong nước. Ngoại trừ liên quan đến Trung Quốc, Quy tắc của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Ấn Độ - Hàn Quốc (Các biện pháp tự vệ song phương) 2017 và Quy tắc của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Ấn Độ - Nhật Bản (Các biện pháp tự vệ song phương) 2017 cũng cho phép các biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn chế định lượng để kiểm soát mức tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước của các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp ở Ấn Độ.

Các cuộc điều tra về thuế tự vệ trước đây do Tổng cục trưởng (Các biện pháp tự vệ) thuộc Cục Doanh thu, Bộ Tài chính tiến hành. Sau năm 2018, các cuộc điều tra về biện pháp tự vệ được tiến hành dưới sự bảo trợ của DA của DGTR.

Tương tự như các quy định của AOS, luật pháp Ấn Độ quy định rằng nếu chính quyền trung ương, sau khi tiến hành điều tra, hài lòng rằng bất kỳ mặt hàng nào được nhập khẩu vào Ấn Độ với số lượng tăng lên và với các điều kiện như gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, thì có thể, bằng cách thông báo trên Công báo, áp thuế tự vệ đối với hàng hoá đó. Lưu ý rằng bất kỳ mức thuế tự vệ nào được áp dụng theo Quy tắc tự vệ sẽ trên cơ sở không phân biệt đối xử và áp dụng cho việc nhập khẩu mặt hàng như vậy dù nguồn nhập khẩu là từ đâu.

Thuế tự vệ sẽ hết hiệu lực sau 4 năm kể từ ngày áp dụng trừ khi được thu hồi trước đó. DA cũng tiến hành xem xét nhu cầu tiếp tục áp dụng thuế tự vệ. Trong mọi trường hợp, thuế tự vệ sẽ không được tiếp tục được áp dụng sau khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày áp dụng lần đầu tiên. Nếu nghĩa vụ được khuyến nghị kéo dài hơn 1 năm, DA phải khuyến nghị nới lỏng mức thuế dần đần theo mức độ phù hợp để tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước điều chỉnh tích cực.

III. Những thay đổi gần đây

Trong vài năm qua, DGTR đã thực hiện nhiều bước để tăng cường tính minh bạch, thống nhất và công bằng trong quá trình điều tra. Chính phủ đã giới thiệu Sổ tay Hướng dẫn Thực hành Điều tra Biện pháp Phòng vệ Thương mại và Sổ tay Quy trình Hoạt động Phòng vệ Thương mại. Sổ tay Hướng dẫn Thực hành Điều tra Biện pháp Phòng vệ Thương mại liệt kê các hướng dẫn từng bước được thực hiện trong khi tiến hành Điều tra Biện pháp Phòng vệ Thương mại, trong khi Sổ tay Quy trình Hoạt động Phòng vệ Thương mại nêu rõ vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ thể chế cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ trong các cuộc điều tra do các thành viên WTO khác tiến hành chống lại Ấn Độ. Tòa án Tối cao Ấn Độ đã công nhận Sổ tay Hướng dẫn Thực hành Điều tra Biện pháp Phòng vệ Thương mại trong một phán quyết vào năm 2020.

Thay đổi quan trọng nhất liên quan đến các cuộc điều tra chống bán phá giá ở Ấn Độ là việc sửa đổi Quy tắc chống bán phá giá vào năm 2020, theo đó phạm vi của 'pháp nhân liên quan' để xác định ngành sản xuất trong nước đã được mở rộng (Điều 4 của Hiệp định chống bán phá giá). Ngoài ra, chính quyền trung ương xác định thời gian điều tra, đưa ra khung pháp lý để xác định mức thuế đối với nhà xuất khẩu mới nếu DGTR chọn lấy mẫu trong cuộc điều tra ban đầu và các điều khoản sửa đổi đối với các cuộc điều tra chống lẩn tránh và đánh giá không cộng gộp.

Chính phủ trung ương cũng đưa ra các điều khoản chống hấp thụ thuế đối với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp thông qua việc sửa đổi Mục 9 và 9A của Đạo luật thuế quan 1975 của Dự luật Tài chính 2021. Cũng trên cơ sở đó, DA đề xuất đưa ra các điều khoản chống hấp thụ thuế đối với các biện pháp chống bán phá giá và thuế đối kháng. Bước đầu tiên, DA đã công bố một cuộc tham vấn 'các bên liên quan', trong đó mời các ý kiến ​​đóng góp từ ngành nhằm mục đích mang lại hiệu lực đối với các sửa đổi liên quan đến các quy tắc chống hấp thụ.

 Cuối cùng, tương tự như Quy tắc chống bán phá giá, chính phủ trung ương đã sửa đổi Quy tắc chống trợ cấp. Những thay đổi quan trọng liên quan đến phạm vi của một ngành sản xuất trong nước, 'hàng hoá tương tự', thời gian điều tra, khuôn khổ tham vấn trước khi khởi xướng, cam kết về giá, rà soát hoàng hôn và điều tra chống lẩn tránh.

IV. Những diễn biến đáng kể về pháp lý và thực tiễn

Như đã nêu ở trên, các lệnh áp thuế của DA và Bộ Tài chính có thể bị kháng cáo tại CESTAT. Tuy nhiên, các lệnh áp thuế cũng có thể được các tòa án, tòa án cấp cao và Tòa án tối cao Ấn Độ (tòa án cao nhất của Ấn Độ) rà soát tư pháp.

Trong vụ việc Công ty TNHH Exotic Décor kiện Cơ quan được chỉ định (DA), DGAD, CESTAT lưu ý rằng không nên mở rộng phạm vi của sản phẩm đang được xem xét sau khi khởi xướng điều tra. Có thể thấy rằng các sản phẩm không do nhà sản xuất trong nước sản xuất không thể là nguyên nhân gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào. Do đó, dựa trên các quyết định trước đó của mình về vấn đề này, CESTAT kết luận rằng nếu ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất 'sản phẩm tương tự' giống loại sản phẩm bị điều tra, thì loại sản phẩm đó không thể được đưa vào phạm vi sản phẩm bị điều tra.

Trong vụ việc áp thuế đối kháng đầu tiên, (vụ việc Công ty Metrod (Malaysia) Sdn Bhd & Ors kiện Cơ quan được chỉ định (DA), DGAD, CESTAT đã xem xét chú thích của Điều 1 của ASCM, trong đó đề cập đến việc miễn thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. Tòa án dựa trên quyết định của WTO tại vụ EU - PET (Pakistan) và cho rằng DGTR đã sai khi xem xét miễn thuế nhập khẩu toàn bộ đối với nguyên liệu thô mà nguyên đơn nhận được để xuất khẩu dưới dạng trợ cấp. Cụ thể hơn, CESTAT cho rằng 'Cơ quan điều tra buộc phải tính toán số tiền "vượt quá" đó và toàn bộ khoản  miễn trừ mà người kháng cáo nhận được không thể bị đối kháng.’

Trong vụ việc năm 2020 (Cơ quan được chỉ định và Ors kiện Andhra Petrochemicals Limited), Tòa án tối cao của Ấn Độ đã dựa vào các hướng dẫn có trong Sổ tay Hướng dẫn Thực hành Hoạt động Điều tra Biện pháp phòng vệ Thương mại (Giai đoạn Điều tra và Giai đoạn Điều tra Thiệt hại) để đánh giá tầm quan trọng của dữ liệu gần đây để thực hiện một cuộc điều tra. Phù hợp với Báo cáo của Ban Hội thẩm WTO về tranh chấp Pakistan - BOPP Film (UAE), được công bố vào tháng 1/2021, Tòa án Tối cao cho rằng các cuộc điều tra chống bán phá giá dựa trên dữ liệu lỗi thời sẽ không đạt được mục đích áp thuế. Phán quyết này cũng phù hợp với sửa đổi gần đây đối với Quy tắc chống bán phá giá, trong đó quy định rằng một cuộc điều tra không được kéo dài hơn 6 tháng, tính từ ngày khởi xướng điều tra.

V. Tranh chấp thương mại

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các Quốc gia Thành viên là trách nhiệm của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) của WTO. Theo hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được quy định trong Thoả thuận về Giải quyết Tranh chấp (DSU), các nước thành viên tranh chấp trước tiên phải trải qua một quá trình tham vấn nhằm giải quyết các tranh chấp một cách thân thiện, nếu cuộc tham vấn này không thành công, nguyên đơn có thể yêu cầu DSB thành lập Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp. DSB có thẩm quyền duy nhất trong việc thành lập các Ban hội thẩm chuyên gia này để xem xét các vụ việc và chấp nhận hoặc bác bỏ các kết luận của Ban họi thẩm hoặc kết quả kháng nghị. Một trong hai bên có thể kháng cáo phán quyết của ban hội thẩm. Đôi khi cả hai bên đều làm như vậy. Kháng cáo phải dựa trên các quan điểm của luật, như diễn giải pháp lý, và không thể kiểm tra lại bằng chứng hiện có hoặc xem xét các vấn đề mới.

Ấn Độ đã là một bên tham gia tích cực trước DSB và cho đến nay đã nêu ra 24 vụ tranh chấp với tư cách là bên khiếu nại. Ấn Độ cũng đã phải đối mặt với gánh nặng của 32 vụ việc do các thành viên khác kiện. Ấn Độ đóng vai trò là bên thứ ba trong 170 vụ tranh chấp. Trong số 24 vụ tranh chấp WTO do Ấn Độ kiện, có 3 vụ tranh chấp đang ở giai đoạn cuối.

Tại thời điểm hiện tại, WTO và các thành viên đang đối mặt với khủng hoảng do Cơ quan Phúc thẩm của WTO không hoạt động do không bổ nhiệm các thành viên Cơ quan Phúc thẩm. Theo Điều 17 của Thỏa thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp, Cơ quan phúc thẩm bao gồm 7 thành viên do DSB chỉ định để phục vụ nhiệm kỳ 4 năm, có khả năng được bổ nhiệm lại thêm một nhiệm kỳ. Hiện tại, không có thành viên nào trong Cơ quan phúc thẩm do nhiệm kỳ của thành viên cuối cùng hết hạn vào ngày 30/11/2020. Do bế tắc lâu dài trong việc bổ nhiệm thành viên, Cơ quan phúc thẩm không thể xem xét các kháng cáo, dẫn đến hệ thống giải quyết tranh chấp dựa trên quy tắc, hoạt động tốt, không thiên vị và ràng buộc hiện không còn hoạt động.

  1. Tranh chấp về biện pháp phòng vệ thương mại do Ấn Độ kiện

Ngày 9/9/2016, trong vụ tranh chấp Hoa Kỳ - Năng lượng Tái tạo, Ấn Độ đã yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ về các yêu cầu hàm lượng nội địa và các khoản trợ cấp khác do chính phủ các bang Washington, California, Montana, Massachusetts, Connecticut, Michigan, Delaware và Minnesota cung cấp, trong lĩnh vực năng lượng. Ấn Độ tuyên bố rằng các biện pháp này đã vi phạm:

a. Điều III: 4, XVI: 1 và XVI: 4 của GATT 1994;

b. Mục 2.1 của Hiệp định TRIMS; và

c. Điều 3.1 (b), 3.2, 5 (a), 5 (c), 6.3 (a), 6.3 (c) và 25 của ASCM.

Báo cáo của Ban Hội thẩm được ban hành vào ngày 27/6/2019 và kết luận rằng các biện pháp đang tranh chấp không phù hợp với các nghĩa vụ của Hoa Kỳ theo Điều III:4 GATT, vì chúng mang lại lợi thế cho việc sử dụng các sản phẩm nội địa, cấu thành hành vi đối xử kém thuận lợi hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu tương tự hoặc giống hệt. Hiện tại, Báo cáo của Ban hội thẩm là đối tượng kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm WTO theo yêu cầu của Hoa Kỳ.

Năm 2018, Hoa Kỳ đã áp thuế nhập khẩu bổ sung 25% và 10% đối với một số sản phẩm thép và sản phẩm nhôm từ tất cả các nước ngoại trừ Canada, Mexico, Úc, Argentina, Hàn Quốc, Brazil và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Khởi kiện việc áp thuế nhập khẩu bổ sung này của Hoa Kỳ, Ấn Độ đã đệ đơn ra WTO (vụ tranh chấp Hoa Kỳ - Sản phẩm thép và nhôm (Ấn Độ)) và yêu cầu DSB thành lập ban hội thẩm. Vì việc áp thuế bổ sung có chọn lọc làm méo mó thương mại quốc tế, 8 thành viên khác của WTO, cụ thể là Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mexico, Na Uy, Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã đệ đơn tranh chấp chống lại Hoa Kỳ và gần 30 thành viên đã bảo lưu quyền của họ với tư cách là bên thứ ba. Tháng 1/2019, Tổng giám đốc WTO đã thành lập một ban hội thẩm để phân xử vụ tranh chấp. Tháng 2/2021, ban hội thẩm thông báo rằng họ không thể đưa ra báo cáo trong thời gian quy định do sự chậm trễ do đại dịch covid-19 gây ra.

  1. Các tranh chấp về phòng vệ thương mại chống lại Ấn Độ

Năm 2013, Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện tại vụ Ấn độ - Pin năng lượng mặt trời, trong đó cả ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đều kết luận các biện pháp do chính phủ Ấn Độ là không phù hợp với Điều III GATT 1994 và Điều 2.1 Hiệp định TRIMs. Mặc dù Ấn Độ đã đưa ra thông báo về quyết định thực hiện phán quyết của DSB vào tháng 12/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rằng Ấn Độ đã không tuân thủ phán quyết và tìm cách đình chỉ các nhượng bộ đã cấp cho Ấn Độ. Sau đó, năm 2018, Ấn Độ đã yêu cầu DSB thành lập một ban hội thẩm để giải quyết bất đồng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Năm 2015, chính phủ đã tiến hành một cuộc điều tra tự vệ đối với hàng nhập khẩu 'sản phẩm thép phẳng cán nóng' và áp đặt mức thuế tự vệ 20%. Sau quyết định này, Nhật Bản đã đệ đơn kiện tại vụ tranh chấp Ấn Độ - Sản phẩm sắt và thép lên DSB và đệ trình rằng các biện pháp tự vệ đã được áp dụng vi phạm Điều 2 GATT 1994 và các điều khoản khác nhau của AOS. Ban hội thẩm DSB kết luận rằng quyết định của Ấn Độ không phù hợp với Điều 3.1 và 4.2 (c) Hiệp định về các biện pháp tự vệ, khi không đưa ra kết luận hợp lý về tất cả các vấn đề liên quan về thực tế và luật pháp. Sau đó, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đưa ra thông báo về quyết định của họ để kháng cáo phán quyết này trước Cơ quan phúc thẩm. Do số lượng thành viên có hạn nên Cơ quan phúc thẩm chưa đưa ra báo cáo của mình.

Một vụ kiện khác tại WTO là vụ Ấn Độ - Các biện pháp liên quan đến xuất khẩu, đang ở giai đoạn phúc thẩm. Trong tranh chấp này, Hoa Kỳ đã kiện nhiều chương trình áp dụng cho một loạt sản phẩm và trong quyết định của mình, ban hội thẩm đã kết luận rằng một số chương trình nhất định, chẳng hạn như Chương trình Xuất khẩu Hàng hóa từ Ấn Độ, không phù hợp với ASCM. Vào cuối năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo cho DSB về quyết định kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm. Dù kháng cáo, chính phủ vẫn đang thực hiện các sáng kiến ​​để sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt các chương trình bị kết luận là không phù hợp với ASCM.

Năm 2019, Brazil (DS579), Úc (DS580) và Guatemala (DS581) đã đệ đơn lên WTO kiện trợ cấp hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu do Ấn Độ cấp cho ngành mía đường và mía đường. Trong các tranh chấp này, các thành viên WTO đã cáo buộc các biện pháp khác nhau vi phạm Hiệp định Nông nghiệp và ASCM. Nguyên đơn cho rằng Ấn Độ đã gia tăng đáng kể hỗ trợ trong nước, điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của các thành viên WTO xuất khẩu khác. Hiện tại, tranh chấp đang ở giai đoạn ban hội thẩm, nhưng các thành viên Ban hội thẩm đã thông báo DSB rằng họ dự kiến ​​sẽ đưa ra báo cáo của mình vào nửa cuối năm 2021.

VI. Triển vọng

Kể từ đầu năm 2020, thương mại toàn cầu đã bị gián đoạn đáng kể do đại dịch covid-19 và các hạn chế về đóng cửa. Phản ứng của chính phủ Ấn Độ hướng tới việc thúc đẩy sản xuất quốc gia bằng cách xây dựng năng lực trong nước và thu hút hàng nhập khẩu vào sản xuất trong nước. Mục đích là để xác nhận và khuyến khích sự tự chủ trong sản xuất do nhu cầu giảm nhập khẩu. Chính phủ muốn nền kinh tế chuyển sang 'Ấn Độ tự chủ', bao gồm việc kiểm soát nhập khẩu vào Ấn Độ. Chính sách thương mại đã được thay đổi với việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại cùng với các chính sách giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế. Từ tháng 4/2020 - tháng 2/2021, Ấn Độ đã khởi xướng gần 50 cuộc điều tra – một con số chưa từng có tiền lệ - chống lại một số quốc gia liên quan đến các loại hàng hóa khác nhau. Đại dịch cũng gây khó khăn hơn trong việc xem xét thông tin và tiến hành xác minh các đơn vị sản xuất trong quá trình điều tra. Ngoài ra, cơ quan điều tra nhận thấy khó khăn trong việc xác định thiệt hại khi chứng minh mối liên hệ nhân quả, do cáo buộc bán phá giá hoặc trợ cấp, và các yếu tố khác như chính sách đóng cửa quốc gia.

Chính phủ dự định nới lỏng các biện pháp thương mại quốc tế để thúc đẩy nền kinh tế. Do thương mại toàn cầu chậm lại trong năm qua, các ngành sản xuất chủ chốt của Ấn Độ có thể chứng kiến ​​sự gia tăng nhập khẩu, dẫn đến nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại.