Tổng thống Hoa Kỳ Donal J. Trump ký ban hành Sắc lệnh hành pháp về việc thiết lập cơ chế tăng cường thu thuế và thực thi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và vi phạm pháp luật thương mại và hải quan

Ngày 31 tháng 3 năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donal J. Trump đã ký ban hành Sắc lệnh về việc thiết lập cơ chế tăng cường thu thuế và thực thi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và vi phạm luật thương mại và hải quan nhằm tăng cường sự quản lý hiệu quả luật thương mại Hoa Kỳ.

           Sắc lệnh này yêu cầu sự phối hợp liên Bộ (Bộ An ninh nội địa – cụ thể là Cơ quan bảo vệ biên giới và Hải quan, Bộ Thương mại, Cơ quan đại diện thương mại, Bộ Tài chính) đẩy nhanh rà soát, thu thuế chống bán phá giá và các hành vi vi phạm pháp luật thương mại và hải quan.

Trong sắc lệnh này, Tổng thống Donald J. Trump nhấn mạnh rằng việc các nhà nhập khẩu lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một cách bất hợp pháp đã đẩy người lao động Hoa Kỳ đứng trước nguy cơ cạnh tranh không công bằng và đã tước đoạt nguồn thu nhập hợp pháp của Chính phủ liên bang. Tính đến tháng 5 năm 2015, có tới 2,3 tỷ đô-la Mỹ tiền thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chưa được thu, mà chủ yếu là từ các nhà nhập khẩu không có tài sản ở Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ, căn cứ trên sự đánh giá rủi ro (risk assessment), phải áp dụng các yêu cầu nộp tiền đặt cọc (bonding requirements) đối với những lô hàng nhập khẩulà đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp khi cần thiết để đảm bảo nguồn thu của Hoa Kỳ.

Tổng thống yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký sắc lệnh, Bộ trưởng An ninh nội địa sẽ tham vấn với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại và Đại diện thương mại Hoa Kỳ để xây dựng một phương án, dựa trên đánh giá rủi ro được thực hiện bởi Cơ quan hải quan và biên phòng Hoa Kỳ (CBP), yêu cầu các nhà nhập khẩu thuộc đối tượng của sắc lệnh mà có nguy cơ làm thất thu nguồn thu của Hoa Kỳ,  cung cấp khoản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của mình thông qua việc ký quỹ và các biện pháp hợp pháp khác, và đồng thời các cơ quan này cũng sẽ xác định các biện pháp thực thi hợp lý khác.

Các nhà nhập khẩu thuộc đối tượng của Sắc lệnh gồm bất cứ nhà nhập khẩu hàng hóa đang là đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà đáp ứng một trong các điều kiện sau: CBP không có hồ sơ về lịch sử nhập khẩu hàng hóa của nhà nhập khẩu này; CBP có dữ liệu về việc nhà nhập khẩu này đã không trả đủ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; hoặc CBP có dữ liệu về việc nhà nhập khẩu này đã không trả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đúng thời hạn quy định.

Liên quan đến vấn đề vi phạm pháp luật về hải quan và thương mại, trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký sắc lệnh, Bộ trưởng An ninh nội địa, thông qua Ủy viên của CBP, sẽ xây dựng và thực thi một chiến lược và kế hoạch để chống lại việc vi phạm pháp luật hải quan và thương mại của Hoa Kỳ và cho phép ngăn chặn và loại bỏ các hàng hóa không được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ thông qua bất cứ hình thức vận chuyển nào bằng các biện pháp khác ngoài việc chiếm đoạt hàng hóa, trong phạm vi pháp luật cho phép.

Để đảm bảo thực thi kịp thời và hiệu quả người sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khỏi việc nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng An ninh nội địa sẽ tiến hành tất cả các bước thích hợp, bao gồm việc xây dựng các quy tắc nếu cần thiết, để đảm bảo rằng, phù hợp với các quy định của pháp luật, CBP có thể chia sẻ với người có quyền sở hữu trí tuệ: (i) bất cứ thông tin cần thiết nào để xác định có sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không; và (ii) bất cứ thông tin nào liên quan đến hàng hóa tự nguyện bị bỏ, trước khi bị giữ, nếu Ủy viên CBP có cơ sở hợp lý để tin rằng việc nhập khẩu thành công hàng hóa đó sẽ vi phạm luật thương mại của Hoa Kỳ.

Liên quan đến việc ưu tiên triển khai thực thi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tham vấn với Bộ trưởng An ninh nội địa sẽ xây dựng các biện pháp tố tụng được gợi ý và phân bổ nguồn lực hợp lý để đảm bảo rằng các công tố viên Liên bang dành sự ưu tiên cao cho việc truy tố những vi phạm lớn về pháp luật thương mại.

Sắc lệnh này được ký cùng ngày với một sắc lệnh hành pháp khác liên quan đến vấn đề thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.

Bản đầy đủ của Sắc lệnh tải tại đây.

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ:

Phòng Xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài - Cục Quản lý cạnh tranh

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hà Nội

Điện thoại: (04) 222 05012

           Fax: (04) 222 05003

                                                       (Phòng Xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài)

Tin tức khác