Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tham vấn với Liên minh châu Âu (EU) tại WTO về biện pháp tự vệ của EU đối với sản phẩm thép
Ngày 13 tháng 3 năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi yêu cầu tham vấn tới phái đoàn EU tại WTO cáo buộc về biện pháp tự vệ (chính thức và tạm thời) và quy trình điều tra đối với sản phẩm thép do EU áp dụng vi phạm một số quy định của Hiệp định Tự vệ và GATT 1994.
Các sản phẩm liên quan được phân loại thành 3 dòng sản phẩm chính, trong đó có các nhóm sản phẩm, cụ thể như sau: thép dẹt (nhóm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11), thép dài (12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 27, 28), ống thép (20, 21, 22, 23, 24, 25, 26)
Đối với biện pháp tự vệ này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị chịu ảnh hưởng là 04 nhóm sản phẩm (sản phẩm số 2,4, 9 và 24).
Một số thông tin về biện pháp tự vệ cụ thể như sau:
1. Khởi xướng điều tra
- Ngày 26 tháng 3 năm 2018, EU đăng công báo về việc khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép (26 sản phẩm thép) (do Ủy ban Châu Âu -EC tự khởi xướng điều tra).
- Ngày 28 tháng 6 năm 2018, EU thông báo mở rộng phạm vi điều tra thêm 2 sản phẩm (sản phẩm 27 và 28).
2. Kết luận sơ bộ
- Ngày 17 tháng 7 năm 2018, EU áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với 23/28 sản phẩm do có sự gia tăng tuyệt đối về hàng nhập khẩu. Cơ quan điều tra (EC) cũng kết luận rằng ngành thép bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng và có khả năng bị thiệt hại nghiêm trọng trong tương lai gần. Trong số đó, sản phẩm thép số 10, 11,19, 24 và 27 không bị áp dụng biện pháp do không có sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu (trong giai đoạn từ 2013-2017). Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dưới dạng hạn ngạch thuế quan – (tariff rate quota- TRQ) với mức hạn ngạch là trung bình mức nhập khẩu trong giai đoạn 2015-2017, mức thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực trong vòng 200 ngày và có loại trừ đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thành viên đang phát triển có lượng nhập khẩu không đáng kể. Hàng nhập khẩu từ các nước thuộc khu kinh tế châu Âu (EEA) bao gồm Na uy, Inceland, Liechtenstein cũng được loại trừ do mức độ hội nhập gần gũi giữa thị trường EEA và EU, số liệu hàng nhập khẩu từ các nước này và rủi ro chuyển hướng thương mại thấp.
- Ngày 13 tháng 11 năm 2018, EU quyết định loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với hàng nhập khẩu từ Nam Phi do EU cho rằng việc loại trừ này không làm ảnh hưởng đến tổng thể xu hướng nhập khẩu của các sản phẩm thép số 8 và 9 cũng như không làm thay đổi các kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến tác động của các yếu tố khác đối với ngành sản xuất của EU.
3. Kết luận cuối cùng
- Ngày 02 tháng 01 năm 2019, EU thông báo tới Ủy ban Tự vệ của WTO về khả năng áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với các sản phẩm bị điều tra và đề nghị các Thành viên tham vấn. Ngày 31 tháng 01 năm 2019, EU thông báo áp dụng biện pháp tự vệ chính thức trong thời gian 03 năm, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tạm thời, thời hạn hết hiệu lực của biện pháp là ngày 30/6/2021. Biện pháp chính thức được áp dụng đối với 26/28 sản phẩm do có sự gia tăng nhập khẩu cả về mặt tuyệt đối và tương đối, (sản phẩm số 11 và 23 được loại trừ do lượng nhập khẩu của hai sản phẩm này có xu hướng giảm về mặt tuyệt đối trong giai đoạn từ 2013 đến năm 2018).
- Kết luận về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước: đe dọa gây thiệt hại.
- Biện pháp tự vệ chính thức được áp dụng dưới dạng hạn ngạch thuế quan đối với từng sản phẩm (mức hạn ngạch được tính bằng lượng nhập khẩu trung bình của từng sản phẩm trong giai đoạn 2015-2017 cộng thêm 5%). EC phân bổ hạn ngạch thuế quan cho từng nước dựa trên lượng nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 3 năm trước khi áp biện pháp đối với những nước mà thị phần nhập khẩu của từng sản phẩm lớn hơn 5% tổng lượng nhập khẩu của sản phẩm đó. Đối với những nước mà lượng nhập khẩu thấp hơn mức 5% thì sẽ chịu mức hạn ngạch thuế quan toàn cầu mà được thiết lập tương đương nhau cho từng quý của giai đoạn áp dụng và trên cơ sở nhập trước thì sẽ được hưởng hạn ngạch trước (first come first served). Đối với sản phẩm nhóm 1, EU chỉ thiết lập mức hạn ngạch thuế quan chung toàn cầu . Mức TRQ được thiết lập cho 3 giai đoạn: 2/2/2019-30/6/2019, 1/7/2019-30/6/2020, 1/7/2020-30/6/2021. Một nước xuất khẩu được hưởng hạn ngạch thuế quan cho nước đó đối với một loại sản phẩm cụ thể thì cũng được sử dụng TRQ toàn cầu cho quý cuối cùng của từng giai đoạn. Mức thuế ngoài hạn ngạch là 25%.
- Biện pháp tự vệ chính thức được áp dụng theo một lộ trình nới lỏng dần với mức hạn ngạch tăng 5% mỗi năm.
- EU loại trừ áp dụng biện pháp đối với các nước thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), các nước đã ký các Hiệp định Đối tác kinh tế đang có hiệu lực,và các Thành viên đang phát triển theo Điều 9.1 Hiệp định Tự vệ.
- Ngày 26/4/2019, EC thông báo về khả năng tác động tổng hợp của biện pháp chống bán phá giá hoặc biện pháp chống trợ cấp với biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép, và cho biết ý định đánh giá tác động cộng gộp của biện pháp tự vệ với biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC). Ngày 3/9/2019, EC thông báo quyết định áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ và biện pháp CBPG và/hoặc CTC đang áp. Theo đó, EC quyết định rằng đối với các sản phẩm liên quan, “mức thuế ngoài hạn ngạch sẽ được áp cộng với mức chênh lệch giữa mức thuế ngoài hạn ngạch và mức thuế nào cao hơn của thuế CBPG/CTC đang có hiệu lực.”
4. Kết luận rà soát
Ngày 17 tháng 5 năm 2019, EC khởi xướng rà soát biện pháp tự vệ chính thức. Ngày 26 tháng 9 năm 2019, EU thông báo điều chỉnh biện pháp. Các điều chỉnh cụ thể như sau:
- Lộ trình nới lỏng biện pháp TRQ sẽ giảm từ 5% xuống 3% mỗi năm.
- Đưa ra giới hạn sử dụng cao nhất là 30% hạn ngạch còn lại trong quý 4 của mỗi năm cho từng nước đối với sản phẩm thép số 13 và 16.
- Đối với lượng nhập khẩu thép số 1, không nước nào được sử dụng hơn 30% hạn ngạch mỗi quý.
- Thay thế hạn ngạch phân bổ theo nước thành hạn ngạch toàn cầu đối với sản phẩm thép số 25.
- Xếp các sản phẩm thép số 4B (tấm thép phủ kim loại) vào nhóm hàng hóa là sản phẩm đầu ra cuối cùng (sử dụng trong sản xuất ô tô) (được hưởng ưu đãi theo quy định Thuế quan của EU).
- Điều chỉnh danh sách nước đang phát triển được loại trừ áp dụng biện pháp bằng việc loại bớt một số nước nằm trong danh sách này do vượt mức ngưỡng nhập khẩu 3% trong năm 2018 đối với từng sản phẩm cụ thể.
Ngày 15 tháng 1 năm 2020, EU lại tiếp tục sửa đổi biện pháp tự vệ này như sau:
- Xóa bỏ việc xếp sản phẩm thép nhập khẩu số 4B vào nhóm hàng hóa là sản phẩm đầu ra cuối cùng.
- Phân bổ lại lượng hạn ngạch giữa sản phẩm 4A và 4B cho Hàn Quốc.
Ngày 14 tháng 2 năm 2020, EU thông báo rà soát lần 2 đối với biện pháp tự vệ này.
5. Yêu cầu tham vấn của Thổ Nhĩ Kỳ
Với các diễn biến đã trình bày ở trên, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra yêu cầu tham vấn với EU do cho rằng quá trình điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ của EU có một số vi phạm Hiệp định Tự vệ, GATT 1994 về các vấn đề sau:
- Điều 2.1, 3.1, 4.1(b), 4.1(c), 4.2(a), 4.2(b), 4.2(c), 6 và 9.1 Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 liên quan đến sản phẩm bị điều tra, sản phẩm tương tự, ngành sản xuất trong nước, cụ thể EU không xác định sản phẩm bị điều tra một cách thống nhất trong suốt vụ việc và sai khi áp dụng các biện pháp tự vệ khác nhau đối với từng nhóm sản phẩm trong khi không tiến hành điều tra riêng biệt đối với từng nhóm sản phẩm.
- Điều 3.1 và 4.2(c) Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 do EU không đưa ra kết luận hợp lý và đầy đủ về tình huống không lường trước (Unforeseen development) cũng như các tình huống không lường trước này đã dẫn tới sự gia tăng hàng nhập khẩu của các sản phẩm liên quan đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước như thế nào;
- Điều 2.1, 3.1, 4.1(b), 4.2(a), 4.2(b) và 4.2(c) Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 về mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và việc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (không có kết luận hợp lý, đầy đủ về mối quan hệ nhân quả cũng như không có giải thích về việc đe dọa gây thiệt hại do các yếu tố khác ngoài hàng nhập khẩu được tách biệt khỏi tác động của hàng nhập khẩu như thế nào);
- Điều 2.1, 3.1, 4.2(a), 4.2(b) và 4.2(c) về việc chứng minh sự gia tăng tuyệt đối và tương đối của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước;
- Điều 2.1, 3.1, 4.1(b), 4.2(a), 4.2(b), 4.2(c) Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 về vấn đề sự tồn tại đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
- Điều 3.1, 4.2(c), 5.1, 5.2 và 7.1 Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 do EU không xác định hạn ngạch và phân bổ giữa các nước có lợi ích đáng kể trong việc cung cấp sản phẩm liên quan. EU cũng áp biện pháp vượt quá mức độ cần thiết để ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng và hỗ trợ điều chỉnh do sản phẩm thép bị áp dụng cả biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp và tự vệ.
- Điều 3.1, 4.2(c) Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 do EU không đưa ra kết luận đầy đủ và hợp lý trong quyết định về tác động của các nghĩa vụ liên quan theo GATT 1994 và tác động đó đã dẫn tới sự gia tăng nhập khẩu của hàng hóa liên quan gây đe dọa thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước như thế nào.
- Điều 3.1, 4.2(c), 7.1 và 7.4 Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 vì, theo vụ rà soát đầu tiên, EU đã giảm mức nới lỏng biện pháp và làm cho biện pháp mang tính hạn chế thương mại hơn.
- Điều I:1 GATT 1994 do EU đã loại trừ biện pháp cho một số nước và điều này tạo thành một lợi ích mà không được áp ngay lập tức và không có điều kiện với hàng hóa tương tự từ các thành viên WTO khác.
- Điều II:1(b) GATT 1994 do EU áp các khoản thuế hoặc phí khác không tuân thủ câu thứ 2 của Điều này.
- Điều XIII:1 và XIII:2, bao gồm đoạn d của GATT 1994 vì EU áp TRQ chỉ đối với hàng nhập khẩu từ một số nước và không phân bổ TRQ giữa các nước xuất khẩu, bao gồm các nước có lợi ích đáng kể trong việc cung cấp sản phẩm liên quan.
- Điều 2.1, 2.2, 3.1, 4.2, 5.1, 6 và 9.1 Hiệp định Tự vệ và Điều XIX:1(a) GATT 1994 do EU chỉ áp biện pháp tạm thời và chính thức với hàng nhập khẩu từ một số nước, loại trừ một số nước đang phát triển và một số nước mà EU có FTA. EU cũng không tuân thủ yêu cầu về vấn đề thống nhất giữa phạm vi hàng nhập khẩu được đánh giá khi điều tra và phạm vi hàng nhập khẩu bị áp biện pháp (parallelism).
Thông tin chi tiết đề nghị xem trong tài liệu WT/DS595/1.
(Nguồn: https://www.wto.org/english/news_e/news20_e/ds595rfc_19mar20_e.htm)