Nghiên cứu quy định của Brazil về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

1. Định nghĩa: Lẩn tránh là một chiến lược thương mại được thực hiện bởi các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất nước ngoài nhằm lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá đang được áp dụng ở các nước nhập khẩu. Hành vi lẩn tránh được coi là một hành vi thương mại nhằm làm mất hiệu lực của một biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực thông qua việc đưa một số mặt hàng nhập khẩu vào lãnh thổ quốc gia.

Lẩn tránh đã là chủ đề thảo luận trong thương mại quốc tế kể từ Vòng đàm phán Uruguay (1986 - 1994). Mặc dù có nhiều nỗ lực nhằm đưa các biện pháp chống lẩn tránh vào các quy tắc đa phương, các biện pháp này vẫn chưa được quy định trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

- Luật 11786/2008 của Brazil quy định rằng nếu có thể xác minh được rằng các hành vi lẩn tránh đang được sử dụng để cản trở việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thì các biện pháp phòng vệ thương mại có thể được mở rộng áp dụng cho các nước thứ ba và các bộ phận và thành phần của sản phẩm đang bị áp dụng các biện pháp. Luật này đã bổ sung một điều khoản trong Luật 9019/1995, quy định việc áp dụng các loại thuế quy định trong Hiệp định chống bán phá giá và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. Ban đầu, luật chỉ mang tính chất ủy quyền; tuy nhiên, vào tháng 8/2010, Phòng Ngoại thương đã thiết lập quy chế của mình thông qua việc ban hành Nghị quyết 63.

- Nghị quyết 63 quy định những biện pháp nào sẽ bị coi là vi phạm các biện pháp phòng vệ thương mại và xác định rằng Ban Thư ký Ngoại thương sẽ điều tra các hành vi lẩn tránh để đánh giá tính phù hợp của việc gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá. Các cuộc điều tra về việc áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh cũng đã được quy định trong Sắc lệnh 21 (tháng 10/2010). Các cuộc điều tra sẽ được khởi xướng bằng một bản kiến ​​nghị của bên liên quan, trong đó phải có bằng chứng hợp lý về các hành vi lẩn tránh. Trong những trường hợp ngoại lệ, chính phủ có thể tự khởi xướng điều tra và các bên quan tâm, bao gồm cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, sẽ có quyền tham gia vào cuộc điều tra.

  1. Các loại lẩn tránh

 2.1. Hoàn thiện hoặc lắp ráp ở Brazil

Phạm vi của một biện pháp chống bán phá giá có thể được mở rộng bằng việc rà soát chống lẩn tránh đối với việc nhập khẩu: các bộ phận, linh kiện hoặc thành phần có xuất xứ tại hoặc từ nước bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhằm sản xuất tại Braxin sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá

2.2. Hoàn thiện hoặc lắp ráp ở các nước thứ ba

- một sản phẩm từ các nước thứ ba mà việc sản xuất, sử dụng các bộ phận, linh kiện hoặc các thành phần có nguồn gốc tại hoặc từ nước bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, dẫn đến sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

2.3. Những thay đổi nhỏ

- một sản phẩm có xuất xứ tại hoặc từ nước bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá có những sửa đổi nhỏ liên quan đến sản phẩm bị áp dụng biện pháp nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng cuối cùng hoặc mục đích của sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

2.4. Bất kỳ hành vi nào khác làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

3. Phân biệt giữa lẩn tránh và gian lận trong khai báo xuất xứ

Gian lận trong khai báo xuất xứ là việc xuất khẩu sản phẩm là đối tượng của các biện pháp chống bán phá giá sang một nước thứ ba và sau đó sang Brazil với mục tiêu tránh phải trả các biện pháp đó (không có thay đổi nhỏ; không lắp ráp các bộ phận, linh kiện hoặc thành phần ở Brazil hoặc ở các nước thứ ba)

- Cơ quan điều tra: Ban thư ký các cuộc đàm phán quốc tế (SEINT) (điều phối các chế độ xuất xứ)

4.Một số phân tích

4.1. Các yếu tố được đánh giá

- Kiểm tra kết hợp các thông tin liên quan đến: nước xuất xứ của sản phẩm hoặc của các bộ phận, linh kiện xuất khẩu; và các nhà sản xuất và xuất khẩu của các nước đó, hoặc các nhà nhập khẩu các bộ phận, và linh kiện của Braxin.

4.1.1 Nước xuất xứ

Việc kiểm tra nước xuất xứ được tiến hành đối với tất cả các loại rà soát chống lẩn tránh

- Kiểm tra để xác định:

+ Các thay đổi trong dòng chảy thương mại (sau khi khởi xướng cuộc điều tra ban đầu hoặc rà soát) về giá, lượng nhập khẩu

+ Liệu những thay đổi trong dòng chảy thương mại có phải là sản phẩm của một quá trình, hoạt động hoặc thực tiễn mà không có cơ sở kinh tế hoặc biện minh nào khác ngoài việc nhằm cản trở hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực.

4.1.2. Nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và/hoặc nhà nhập khẩu

 Phân tích riêng biệt thông tin về nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu để xác định xem:

- Trường hợp 1: hoàn thiện hoặc lắp ráp tại Brazil

+ việc bán lại tại Braxin sản phẩm được sản xuất thấp hơn giá trị thông thường đối với sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

+ các bộ phận, linh kiện và thành phần không được sử dụng cho các mục đích khác ngoài việc sản xuất sản phẩm cuối cùng.

+ sản xuất bắt đầu hoặc tăng lên đáng kể sau khi khởi xướng cuộc điều tra ban đầu hoặc lần rà soát trước đó

+ các bộ phận, linh kiện hoặc thành phần chiếm từ 60% trở lên tổng giá trị của các bộ phận, linh kiện và thành phần của sản phẩm được sản xuất tại Braxin

+ giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất bằng hoặc nhỏ hơn 35% giá thành sản xuất sản phẩm (không bao gồm: chi phí khấu hao; chi phí đóng gói; giá thành và chi phí không liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sản phẩm).

Ví dụ: vụ việc chống bán phá giá với sản phẩm chăn. Sản phẩm bị cáo buộc lẩn tránh là vải cọc dài có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp được sử dụng để sản xuất chăn tại Brazil, theo đó Vải cọc dài:

+  chiếm hơn 83% tổng giá trị của các bộ phận, linh kiện và thành phần của sản phẩm được sản xuất tại Brazil.

+ Giá trị gia tăng dưới 25% trong hoạt động sản xuất.

+ Giá bán lại thấp hơn giá trị thông thường của cuộc điều tra ban đầu.

- Trường hợp 2: Hoàn thiện hoặc lắp ráp tại các nước thứ ba

+ việc xuất khẩu sản phẩm sang Brazil với giá thấp hơn giá trị thông thường được xác định đối với sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá

+ việc xuất khẩu sản phẩm sang Braxin tương ứng với một tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh số bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu

+ việc xuất khẩu sản phẩm sang Brazil đã bắt đầu hoặc tăng lên đáng kể sau khi khởi xướng điều tra hoặc rà soát gần nhất dẫn đến biện pháp chống bán phá giá

+ các bộ phận, linh kiện hoặc thành phần chiếm từ 60% trở lên trong tổng giá trị của các bộ phận, linh kiện hoặc thành phần của sản phẩm được xuất khẩu sang Braxin

Ví dụ: vụ việc chống bán phá giá với sản phẩm chăn. Sản phẩm bị cáo buộc lẩn tránh: chăn được sản xuất tại Uruguay và Paraguay (các nước thứ ba) với vải cọc dài (bộ phận, linh kiện, thành phần) có xuất xứ tại nước bị áp dụng biện pháp, theo đó:

+ Vải cọc dài chiếm từ 77,6% - 98,6% tổng giá trị của các bộ phận, linh kiện và thành phần của sản phẩm được sản xuất tại Paraguay và Uruguay sau đó xuất khẩu sang Brazil.

+ Quy trình sản xuất nhỏ ở Paraguay và Uruguay (ít hơn 35% chi phí sản xuất của sản phẩm bị kiện).

+ Giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của cuộc điều tra ban đầu.

- Trường hợp 3: Những thay đổi nhỏ

+ việc xuất khẩu sản phẩm xảy ra ở mức giá thấp hơn giá trị thông thường được xác định đối với sản phẩm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá

+ việc xuất khẩu sản phẩm tương ứng với một tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh số bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu

+ việc xuất khẩu sản phẩm bắt đầu hoặc tăng lên đáng kể sau khi khởi xướng điều tra dẫn đến việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Ví dụ: vụ việc thuế chống bán phá giá với tấm thép nặng (NCM 7208.51.00 và 7208.52.00). Sản phẩm bị cáo buộc lẩn tránh: tấm thép nặng được sơn (NCM 7210.70.10) và tấm thép nặng pha thêm boron (NCM 7225.40.90) có xuất xứ tại các nước bị điều tra, theo đó:

+ Sản phẩm được sửa đổi một chút không làm thay đổi công dụng cuối cùng so với sản phẩm bị áp dụng biện pháp.

+ Chênh lệch nhỏ về chi phí sản xuất.

+ Giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của cuộc điều tra ban đầu.

5. Thủ tục

5.1. Đơn kiện

- Sắc lệnh SECEX n. 42 (2013): quy định thông tin cần thiết trong đơn yêu cầu rà soát chống lẩn tránh, theo điều 79 Nghị định N. 8.058 (2013), theo đó: Đơn kiện phải được làm bằng văn bản,  thông tin được hỗ trợ bởi bằng chứng, không chỉ đơn thuần là sự cáo buộc.

Một bên quan tâm trong cuộc điều tra ban đầu hoặc trong lần rà soát trước đó về biện pháp chống bán phá giá có thể nộp đơn kiện. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan điều tra có thể tự khởi xướng.

5.2. Yêu cầu thông tin

- Bảng câu hỏi: có thể được gửi cho các bên quan tâm, thời hạn trả lời: 20 ngày (có thể được gia hạn lên đến 10 ngày)

- Nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu không cung cấp dữ liệu được yêu cầu: bị áp thông tin tốt nhất có sẵn (mức thuế bất lợi)

5.3. Gia hạn các biện pháp chống bán phá giá

- Theo quy định, việc gia hạn một biện pháp chống bán phá giá sẽ tùy thuộc vào quyết định riêng đối với từng nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu đã biết của sản phẩm bị xem xét chống lẩn tránh. Tuy nhiên, nếu có số lượng lớn các nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu thì sẽ không thực tế khi xác định riêng lẻ cho từng doanh nghiệp, vì vậy việc lựa chọn sẽ theo các tiêu chí khác nhau tùy theo loại lẩn tránh.

- Tiêu chí lựa chọn:

+ Trường hợp 1 (hoàn thiện hoặc lắp ráp tại Brazil): lựa chọn doanh nghiệp nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối lượng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu

+ Trường hợp 2 (hoàn thiện hoặc lắp ráp ở nước thứ ba) và Trường hợp 3 (sửa đổi nhỏ): lựa chọn nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối lượng hàng xuất khẩu của nước xuất khẩu.

- Lượng thuế bị áp: là biên độ phá giá bình quân gia quyền của vụ điều tra ban đầu hoặc rà soát trước đó  (áp quy tắc mức thuế thấp hơn- lesser duty, loại trừ biên độ bằng 0 hoặc không đáng kể).

- Biện pháp gia hạn được rà soát hoàng hôn.

- Các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu đã biết không được bao gồm trong lựa chọn: đình chỉ rà soát chống lẩn tránh; thuế không được gia hạn. Nếu có bằng chứng về việc lẩn tránh: tiếp tục rà soát.

- Nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu có quyết định cuối cùng là không lẩn tránh thì sẽ không bị áp thuế mở rộng.

- Nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu không xác định; hoặc Nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu được lựa chọn nhưng không cung cấp được dữ liệu được yêu cầu thì sẽ mở rộng lệnh áp thuế dựa trên thông tin tốt nhất sẵn có.

Kết luận: Điều quan trọng là các công ty tư nhân phải cố gắng phân định việc áp dụng các quy tắc này của cơ quan điều tra để thiết lập sự cân bằng giữa cơ chế điều tra chống bán phá giá và việc áp dụng thuế. Hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại cần được duy trì, nhưng không làm loại bỏ dòng đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng không liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng.

Các nhà sản xuất và xuất khẩu nước ngoài có sản phẩm đến Brazil và đã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở Brazil nên cảnh giác rằng các chiến lược thương mại của họ có thể bị điều tra và có thể có nguy cơ bị coi là hành vi lẩn tránh.

 

Tin tức khác